Ngân hàng ồ ạt rao bán bất động sản "siết nợ": Đại hạ giá vẫn ế!

0:00 / 0:00
0:00
Kể từ đầu năm 2020 tới nay, từ các ngân hàng tầm trung tới các ngân hàng lớn ồ ạt thanh lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ, đặc biệt tài sản là bất động sản. Tuy nhiên, có những bất động sản “đại hạ giá” nhưng rao bán tới 5-7 lần vẫn “ế”!
Nhiều trường hợp thanh lý bất động sản lần thứ 5 - 7, giá thấp
hơn 20-30% nhưng vẫn không có khách mua
Nhiều trường hợp thanh lý bất động sản lần thứ 5 - 7, giá thấp hơn 20-30% nhưng vẫn không có khách mua

VietinBank, BIDV, Sacombank, SCB... liên tục thông báo bán nhiều bất động sản bảo đảm với giá từ vài tỷ đến cả trăm tỷ đồng.

Ồ ạt thanh lý bất động sản siết nợ

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã CTG) thông báo bán nhiều tài sản bảo đảm kể từ đầu tháng 7/2020.

Theo đó, VietinBank thông báo bán đấu giá tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Trung tâm thương mại phức hợp Cần Thơ Center 3,23 ha, với giá khởi điểm là 190 tỷ đồng.

VietinBank bán tài sản bảo đảm gồm 30 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất với diện tích đất hơn 5 ha tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), cùng nhiều tài sản khác để xử lý 105 tỷ đồng dư nợ của Công ty cổ phần Thép Việt Thái.

VietinBank cũng rao bán quyền sử dụng đất và nhà 6 tầng với tổng diện tích xây dựng là 228 m2 tại quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) với giá khởi điểm từ 3,4 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 21/7, VietinBank thông báo đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thửa đất số 1017 và 1018, tờ bản đồ số 8 tại thôn Trung Châu Đông, xã An Cầu, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình với giá khởi điểm gần 1,3 tỷ đồng.

Cùng với VietinBank, loạt ngân hàng tên tuổi như BIDV, Techcombank, Sacombank... cũng đồng loạt thông báo rao bán bất động sản cầm cố kể từ đầu năm đến nay.

Đơn cử như ngày 21/7, BIDV rao bán đấu giá tài sản tại Cao Lãnh, Đồng Tháp với tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Hiệp, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BĐ 652169 ngày 15/11/2011 cho Công ty TNHH Thương mại DV Thiên Nhiên.

Trước đó, BIDV cũng thông báo chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH xây dựng sản xuất thương mại Tài Nguyên. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TP.HCM). Toàn bộ số nợ gốc, tiền lãi phát sinh tại thời điểm bán đấu giá (tính đến ngày 29/3) là 4.063 tỷ đồng.

BIDV chi nhánh Gia Định rao bán 65 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM. Giá bán khởi điểm BIDV đưa ra dao động từ 2,1 đến 5,5 tỷ đồng/căn.

Không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, nhiều NHTM cổ phần quy mô vừa và nhỏ trong thời gian gần đây cũng ồ ạt rao bán khoản nợ hoặc phát mãi các tài sản thế chấp nhằm thu hồi khoản nợ.

Trên Website của NHTM Cổ phần Sài Gòn (SCB) đang rao bán trực tiếp 10 tài sản là bất động sản có giá trị thấp nhất từ vài tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong số này, một tài sản hiện được SCB rao bán với giá 830 tỷ đồng là kho Phước Sơn tại Thị xã Thuận An (Bình Dương). Nhiều tài sản khác là nhà ở dân cư và quyền sử dụng đất cũng đang được SCB rao bán với giá rao bán từ thấp nhất 2,2 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngân hàng này cũng đang rao bán nhiều khoản nợ gắn kèm với tài sản thế chấp là nhà ở, quyền sử dụng đất với giá rao bán từ 1,4 tỷ trở lên.

Đại hạ giá nhưng vẫn "ế"

Giới chuyên gia cho rằng đặt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, việc nhiều người dân và doanh nghiệp không còn khả năng trả nợ ngân hàng cũng như việc ngân hàng phải bán nợ, rao bán tài sản đảm bảo là diễn biến được dự báo từ sớm, không gây quá nhiều bất ngờ.

Đây được đánh giá là cơ hội với các doanh nghiệp và người dân đang có nhu cầu với các sản phẩm trong lĩnh vực bất động sản bởi mức giá mà các ngân hàng đưa ra thường được nhìn nhận là khá hấp dẫn so với mặt bằng giá thị trường.

Liên quan đến việc thu hồi nợ của các ngân hàng, trên thực tế thời gian qua, không chỉ các bất động sản mà còn nhiều tài sản đảm bảo khác như ô tô, thiết bị điện tử.. cũng bị dồn dập rao bán. Tuy nhiên, theo giám đốc khối xử lý nợ tại một ngân hàng lớn, các tài sản đảm bảo bằng bất động sản việc thanh lý trở nên khó khăn hơn nhiều do giá trị lớn, và nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý vì vậy dù được "đại hạ giá" nhưng vẫn vắng người mua.

"Với diễn biến thị trường như hiện nay, các bất động sản thế chấp sẽ khó xử lý hơn. Nhiều ngân hàng có thể phải bán với giá thấp, hoặc chấp nhận tăng nợ xấu. Nhiều trường hợp thanh lý lần thứ 5 - 7, giá thấp hơn 20-30% nhưng vẫn không có khách mua", vị này nhấn mạnh.

Chẳng hạn, sau 28 lần bán đấu giá tài sản đảm bảo của Công ty CP Thúy Đạt với mức giá giảm hàng chục lần so với mức chào bán lần đầu, nhưng BIDV vẫn không tìm được người mua. Tài sản của nhóm Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn cũng giảm gần 2.000 tỷ đồng so với nợ gốc và lãi.

Trước đó, CTCP Nhà Hưng Ngân cũng là một trường hợp điển hình rao bán kèm đại hạ giá nhiều lần nhưng không ai mua tại BIDV. Cụ thể, đầu tháng 6/2020, BIDV tổ chức bán đấu giá khoản nợ Nhà Hưng Ngân, bao gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến thời điểm thực hiện giao dịch bán nợ.

Đây đã là lần thứ 4 BIDV rao bán khoản nợ này với giá chào bán khởi điểm gần 396 tỷ đồng. So với lần đấu giá đầu tiên vào tháng 2/2020, giá rao bán khởi điểm hiện tại đã giảm gần 24%. So với lần rao bán thứ 3 hồi tháng 5/2020, giá giao bán cũng giảm 6%.

Một nhà đầu tư đánh giá, thị trường mua bán nợ xấu của Việt Nam có điểm hạn chế là quá vướng quan điểm định giá khoản nợ, chênh lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị khoản nợ theo thị trường. Sở dĩ nhiều cuộc đấu giá khoản nợ xấu, đấu giá tài sản đảm bảo của nợ xấu phải đấu giá 5 - 6 lần vẫn ế là do định giá quá cao. "Đã là nợ xấu thì không thể kỳ vọng thu được toàn bộ cả nợ gốc, cả nợ lãi được. Ở Hàn Quốc, thu được 20-30% nợ gốc thôi đã là tốt lắm rồi", vị này cho biết.

Đánh giá về tác động tới thị trường bất động sản, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc bán ào ạt cho thấy thị trường đang xuất hiện dấu hiệu suy giảm mạnh, quỹ đạo đang theo hướng đi xuống. Đây có thể coi là hiện tượng tiêu cực cho ngành bất động sản. Nếu các ngân hàng bán ra càng nhiều khoản nợ xấu, càng đẩy giá bất động sản giảm sâu hơn. Hiện tượng này tạo ra vòng xoáy đi xuống trên thị trường bất động sản.

Tin cùng chuyên mục