Ngân sách nhà nước vẫn còn dư địa hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) mở rộng, cùng với chủ trương tiếp tục thúc đẩy đầu tư công để hỗ trợ nền kinh tế dự kiến sẽ làm bội chi NSNN tăng.
Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến số thu ngân sách nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, Bộ Tài chính khẳng định, cán cân tài khóa vẫn còn dư địa để bảo đảm nguồn chi đầu tư phát triển, chi hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó khăn do Covid-19 gây ra, từ đó nuôi dưỡng nguồn thu để có nền tài chính ổn định, bền vững.

Thâm hụt ngân sách nhà nước tăng mạnh

Số liệu từ Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN lũy kế thực hiện 9 tháng đạt 975,3 nghìn tỷ đồng, bằng 64,5% dự toán, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2019. Các khoản thu đều giảm. Cụ thể, thu nội địa giảm 8,3%, thu từ dầu thô giảm 36,9%, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Về chi NSNN, tổng chi NSNN 9 tháng đạt 1.113,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,7% dự toán, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, chi trả nợ lãi gần 80,7 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3% dự toán, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2019; chi thường xuyên là 756,9 nghìn tỷ đồng, bằng 71,6% dự toán, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019.

Như vậy, thâm hụt NSNN 9 tháng tăng mạnh lên mức 138,4 nghìn tỷ đồng từ con số 93,7 nghìn tỷ đồng của 8 tháng và mức 75,7 nghìn tỷ đồng của 7 tháng đầu năm 2020. Bộ Tài chính nhận xét, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương khó khăn trong điều kiện giảm thu NSNN.

Về thực trạng NSNN năm nay, báo cáo kinh tế tháng 9 của Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho rằng: “Thâm hụt ngân sách không ngừng mở rộng phản ánh cân đối của Chính phủ đang xấu đi và làm hẹp không gian cho các nỗ lực nới lỏng hơn nữa chính sách tài khóa trong trung hạn do áp lực tỷ lệ nợ công gia tăng. Trong ngắn hạn, Chính phủ có thể vẫn ưu tiên thúc đẩy đầu tư công như một công cụ quan trọng nhằm đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng hậu Covid-19”.

Đánh giá về tình hình thực hiện các cân đối lớn của nền kinh tế trong năm 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đại dịch Covid-19 khiến tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đồng thời, việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã ảnh hưởng lớn đến số thu NSNN. Ước cả năm, tổng thu cân đối NSNN đạt khoảng 1.323,1 nghìn tỷ đồng, bằng 87,5% dự toán; tổng chi cân đối NSNN khoảng 1.686,2 nghìn tỷ đồng, bằng 96,5% dự toán. Bội chi NSNN khoảng 319,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 5% GDP; nợ công bằng khoảng 57 - 58% GDP; nợ Chính phủ khoảng 51 - 52% GDP.

Tiếp tục tính toán để gia hạn giải pháp hỗ trợ

Từ phía cơ quan điều hành chính sách tài khóa quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để ứng phó với các tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã bám sát tình hình thực tiễn, chủ động xây dựng các phương án điều hành thu, chi NSNN.

Thu NSNN dự kiến giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp hơn dự kiến, giá dầu thô giảm đáng kể và điều chỉnh chính sách thu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, nhu cầu chi đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm an sinh xã hội, kích cầu tiêu dùng… lại lớn khiến bội chi NSNN là không tránh khỏi.

Để đảm bảo cân đối, về chi, Bộ Tài chính đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa cần thiết, không cấp bách; giảm chi thường xuyên 10% và giảm công tác nước ngoài 70%; đồng thời chủ động sử dụng nguồn dự phòng ngân sách và huy động nguồn lực từ xã hội.

Theo người đứng đầu Bộ Tài chính, điều quan trọng là sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, dư địa tài khoá của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao, nhất là quản lý bội chi rất chặt chẽ. Do vậy, nợ công năm 2019 đã giảm sâu xuống còn 54% GDP; chất lượng nợ công được cải thiện cao; thị trường trái phiếu chính phủ tăng trưởng tốt. Đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm về tài chính ngân sách đã cơ bản hoàn thành. Đơn cử như thu NSNN đạt 25,5% GDP, chi NSNN bằng gần 28% GDP; bội chi bằng 3,36% GDP và nợ công ở mức 54,7% GDP (cả giai đoạn cho phép gần 65% GDP)...

“Như vậy, dư địa tài khoá được củng cố, cơ cấu nợ công được cải thiện. Theo đó, với tình hình thu năm 2020 mặc dù có giảm so với dự toán, nhưng dư địa tài khoá lớn nên đủ khả năng bù đắp các khoản chi cho đầu tư phát triển và phòng chống dịch. Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục tính toán để có thể gia hạn các giải pháp vừa qua đã được thông qua như: giảm thuế, gia hạn nộp thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu để có nền tài chính ổn định, bền vững", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định.

Tin cùng chuyên mục