Ngành thép năm 2019: Cạnh tranh khốc liệt

(BĐT) - Giá cả nguyên vật liệu đầu vào khó dự đoán; chính sách bảo hộ của nhiều nước còn diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết; tình trạng cung vượt cầu… là những yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam lo ngại về hoạt động kinh doanh năm 2019. Dù khó khăn, song Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, ngành thép vẫn có cơ hội tăng trưởng ở mức 10%.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Tiêu thụ không tăng tương ứng sản lượng

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác năm 2019 của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vn Steel), đại diện DN này cho biết, 2018 là một năm thị trường thép nhiều khó khăn. Giá thép trên thị trường thế giới năm 2018 có nhiều biến động khó lường, giá các mặt hàng nguyên liệu như: quặng sắt, than coke… liên tục lên xuống khó dự đoán và ở mức cao. Thời điểm cuối năm, giá hầu hết các mặt hàng bắt đầu đi xuống, tác động khá lớn đến thị trường trong nước.

Về thép xây dựng, dù thị trường có sự tăng trưởng khá tốt về sản lượng, nhưng hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DN không tăng tương ứng. Rất nhiều DN gặp khó khăn, nhất là với các nhà máy cán thép thuần túy do chi phí phôi thép đầu vào tăng cao, trong khi giá thành phẩm không tăng tương ứng do tình trạng cung vượt quá cầu, cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất.

Năm 2018 cũng là năm đặc biệt khó khăn với các đơn vị thép dẹt. Sản lượng tiêu thụ các mặt hàng cán nguội, tôn mạ, ống thép đều giảm sút so với cùng kỳ và hiệu quả kinh doanh của các đơn vị cũng khá thấp, nhiều đơn vị thua lỗ…

Hiện 2 dự án thép (Nhà máy Thép Việt - Trung, Dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên) yếu kém chưa hết khó khăn. Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Vn Steel chia sẻ, đến nay, Nhà máy thép Việt - Trung đã có 2 năm hoạt động có hiệu quả liên tục, năm 2017 lãi 405 tỷ đồng, năm 2018 lãi 458 tỷ đồng. Tuy nhiên, Nhà máy còn phụ thuộc vào chính sách bảo hộ phôi thép của ngành công thương, vào tiêu thụ quặng, đặc biệt hiện mất cân đối vốn rất lớn. “Lỗ lũy kế dự kiến năm 2018 còn 630 tỷ đồng, nợ ngân sách trên 900 tỷ đồng…”, ông Phúc cho biết. Đối với Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, mặc dù có nhiều nỗ lực, song vẫn chưa giải quyết được điểm mấu chốt của Dự án Mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vì không thể đàm phán với nhà thầu, bảo lãnh với ngân hàng VietinBank không xử lý được.

Dự báo nhiều khó khăn

Tại Hội nghị, nhiều DN thành viên của Vn Steel cho rằng, 2019 sẽ là một năm ngành thép tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhìn nhận, đó là khó khăn từ xu hướng bảo hộ trên thế giới vẫn gia tăng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa có hồi kết, giá nguyên liệu tiếp tục bất ổn sẽ có tác động đến ngành thép Việt Nam.

Với tình trạng sản xuất thép cung vượt cầu như hiện nay, ông Nguyễn Đình Phúc lo lắng: “Năm 2019 dự báo nhiều khó khăn hơn với Vn Steel. Fomosa, Hòa Phát và một số dự án mới đi vào hoạt động làm cho miếng bánh thị phần càng thu hẹp, cuộc chiến về giá để giành thị phần rất khốc liệt”.

Ở thị trường tôn thép mạ, đại diện các DN nhận định, thị trường 2019 sẽ rất khó khăn, các DN cạnh tranh khốc liệt do cung vượt cầu khoảng 3 lần, cung là 5 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ 2 triệu tấn/năm.

Trước các dự báo không mấy lạc quan trong tương lai gần, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến nghị, các DN ngành thép cần phân tích, nắm bắt thị trường để cân đối sản xuất, kinh doanh. “Các DN cần chú ý vấn đề cung - cầu của thị trường. Thà làm ít nhưng hiệu quả hơn làm nhiều mà tồn kho”, ông Hải nói. Cùng với đó, DN thép cần đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới đầu tư cũng như quản trị nâng cao năng suất lao động.

Nhiều ý kiến đánh giá ngành thép gặp nhiều khó khăn trong năm 2019. Tuy nhiên, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam lại có cái nhìn khá lạc quan với ngành thép. Bởi theo ông Sưa, năm 2019, ngành thép Việt vẫn có cơ hội tăng trưởng khi Chính phủ vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao ở mức 6,8 - 7%. Sau 3 năm hẫng hụt giải ngân vốn đầu tư công thì năm 2019, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh giải ngân. Khi tình hình giải ngân tốt lên, các dự án xây dựng mới sẽ tăng và tiêu thụ thép sẽ khởi sắc… Theo đó, năm 2019, tăng trưởng ngành thép vẫn có thể ở mức 10%.

Tin cùng chuyên mục