(Nguồn: Báo cáo tài chính của Vinaincon, đơn vị tính: tỷ đồng) |
Tích cực tham gia các gói thầu xây lắp
Cuối tháng 6/2023, Vinaincon đã được Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM lựa chọn thực hiện Gói thầu XLĐ2 Thi công di dời - tái lập công trình điện từ ga S7 (ga Bảy Hiền) đến ga S11 (ga Tân Bình) thuộc Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương với giá trúng thầu 158,175 tỷ đồng, giảm 3,5% so với giá gói thầu.
Ngoài gói thầu trên, Vinaincon đang thực hiện Gói thầu số 09 Xây lắp tuyến đường dây 110kV từ VT13 đến VT21 và xây lắp trạm biến áp 110kV thuộc Dự án Đường dây và trạm biến áp 110kV Bắc TP. Thanh Hóa (giá trúng thầu 37,3 tỷ đồng).
Bên cạnh các gói thầu đang thi công, Vinaincon đang trong quá trình tham dự 2 gói thầu khác thuộc Dự án Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2, tuyến Bến Thành - Tham Lương.
Cụ thể, tại Gói thầu XLTN1 Thi công di dời - tái lập công trình thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông từ đoạn đào hở CC1 (Bến Thành) đến ga S6 (ga Phạm Văn Hai) quy mô 153,75 tỷ đồng, Vinaincon đang cạnh tranh với 5 nhà thầu khác (Tổng công ty CP Xây dựng Bạch Đằng, Liên danh Công ty CP Công nghệ Xây dựng Hancorp 5 - Công ty CP Tư vấn và Đầu tư xây dựng Bạch Đằng Capital…). Gói thầu còn lại là Gói thầu XLTN2 Thi công di dời - tái lập công trình thoát nước, biển báo, chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông từ ga S7 (ga Bảy Hiền) đến ga S11 (ga Tân Bình) quy mô 187,4 tỷ đồng.
Lỗ lớn, áp lực nợ vay lớn
Vinaincon được thành lập tháng 9/1998 theo Quyết định của Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất các đơn vị xây lắp thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và các công ty xây dựng chuyên ngành thuộc ngành công nghiệp. Ngày 1/6/2011, Tổng công ty chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.
Vinaincon từng tham gia thi công nhiều công trình lớn, trọng điểm quốc gia như hệ thống đường dây và trạm 500kV Bắc - Nam mạch 2, tuy nhiên hoạt động kinh doanh chính của Vinaincon trong những năm gần đây không mang lại lợi nhuận. Trong giai đoạn từ 2015 đến nay chỉ có năm 2016 lãi 450,7 tỷ đồng nhờ ghi nhận thêm 507 tỷ đồng doanh thu tài chính do được Chính phủ phê duyệt phương án giảm phần lãi vay, phí bảo lãnh của các năm tài chính trước.
Quý II/2023, Vinaincon ghi nhận 635,5 tỷ đồng doanh thu, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ hoạt động xây lắp, tư vấn thiết kế đạt 278,3 tỷ đồng, doanh thu từ bán hàng hóa thành phẩm là 303,6 tỷ đồng. Doanh thu của Công ty không bù đắp được chi phí giá vốn khiến lợi nhuận gộp âm 5,8 tỷ đồng. Cùng với áp lực chi phí tài chính lớn và chi phí quản lý doanh nghiệp, Vinaincon lỗ 124,5 tỷ đồng trong quý II. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinaincon ghi nhận 1.017 tỷ đồng doanh thu và lỗ 219,3 tỷ đồng. Qua đó nâng tổng số lỗ lũy kế đến cuối quý II/2023 lên 2.207 tỷ đồng.
Ngoài hoạt động kinh doanh không hiệu quả, sức khỏe tài chính của Vinaincon cũng không mấy khả quan. Do thua lỗ nhiều năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu của Công ty tính đến cuối quý II/2023 âm tới 1.392 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ phải trả là 6.058 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng lớn nhất là nợ vay với giá trị hơn 4.217 tỷ đồng, chiếm 90,3% tổng tài sản. Gánh nặng nợ của Vinaincon chủ yếu đến từ Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn, trong đó đáng chú ý là khoản nợ dài hạn 2.000 tỷ đồng mà Vinaincon vay từ Bộ Tài chính theo hợp đồng ứng vốn trả nợ nước ngoài thanh toán tiền mua máy móc và thiết bị cho Dự án Nhà máy Xi măng.
Công ty cho biết sẽ làm việc với cơ quan chức năng để điều chỉnh lại mức trả nợ vay dài hạn và xây dựng phương án cơ cấu Công ty TNHH MTV Xi măng Quang Sơn nhằm bổ sung nguồn lực tài chính, giảm áp lực nợ vay.
Ngoài ra, báo cáo tài chính bán niên năm 2023 của Vinaincon cũng cho biết doanh nghiệp này còn 197,3 tỷ đồng phải thu nhưng khó có khả năng thu hồi. Trong đó có một số khoản lớn phải thu Công ty CP Gang thép Thái Nguyên - TISCO (gần 27,2 tỷ đồng), Công ty CP Xây dựng 203 (4,1 tỷ đồng), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đông Anh (3 tỷ đồng)…