Nhà thầu xây dựng chật vật chống chọi dịch Covid-19

(BĐT) - Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 tác động mạnh lên các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng. Nhằm giảm thiểu thiệt hại từ dịch bệnh, nhiều nhà thầu đã có những cách làm riêng để đón chờ cơ hội.
Sản lượng xây lắp của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình sụt giảm mạnh trong quý I/2020 do Covid-19. Ảnh: Lê Tiên
Sản lượng xây lắp của Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình sụt giảm mạnh trong quý I/2020 do Covid-19. Ảnh: Lê Tiên

Nhiều nhà thầu gặp khó

Công ty CP Tập đoàn xây dựng Hòa Bình hiện là một trong các nhà thầu xây dựng dân dụng quy mô lớn của Việt Nam. Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Hòa Bình không nằm ngoài sự ảnh hưởng này". Theo ông Hải, dịch Covid-19 tác động mạnh tới thị trường bất động sản du lịch - mảng thi công chính của Hòa Bình. Nhiều dự án như: shophouse, khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí… mà Tập đoàn đang thi công bị tạm dừng hoặc thi công cầm chừng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ đầu năm đến nay, hoạt động bán hàng của chủ đầu tư cũng bị chậm lại. Những yếu tố này khiến sản lượng của Hòa Bình sụt giảm tới 40% trong quý I/2020, trong khi nhiều khoản chi phí để vận hành doanh nghiệp không thể cắt giảm.

Cùng bị ảnh hưởng bất lợi của dịch Covid-19 tới hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Dũng, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tổng công ty Thành An cho biết, sản lượng quý I/2020 của Thành An cũng giảm trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhà thầu xây lắp gặp khó khăn trong việc tập hợp lao động do yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội để hạn chế lây lan của dịch bệnh. Hoạt động mua bán, vận chuyển vật liệu xây dựng gặp những khó khăn nhất định do nhiều cửa hàng đóng cửa… Ngoài ra, theo nhà thầu, một số gói thầu chưa thực hiện mời thầu qua mạng cũng gây trở ngại không nhỏ đối với nhà thầu trong việc tiếp cận hồ sơ mời thầu do giãn cách xã hội.

Giải pháp ứng phó dịch bệnh

Nhận định về xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành xây dựng quý II/2020, kết quả một cuộc khảo sát vừa được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 3 cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) xây dựng  tiếp tục khó khăn trong các quý tiếp theo. Theo dự báo, có tới 46,9% DN xây dựng khó khăn hơn, 18,3% DN đánh giá tốt hơn, 34,8% nhận định giữ ổn định.

Tuy mảng công việc chính của Hòa Bình đang chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ông Hải cho rằng cần có một cái nhìn lạc quan. “Tập đoàn vẫn đang nỗ lực xây dựng kế hoạch ứng phó rủi ro với kịch bản xấu nhất. Với tinh thần "cánh diều ngược gió", biến thử thách thành cơ hội, Hòa Bình đang áp dụng một loạt giải pháp tái cấu trúc doanh nghiệp để duy trì bộ máy quản lý hoạt động kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn, đồng thời, giúp Công ty nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng. Đó là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, không có một nhân sự tích cực nào bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm…

Trong khi đó, tại Tổng công ty Thành An, ông Dũng cũng cho biết, với sự chủ động, linh hoạt trong thời gian qua, đơn vị đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hoạt động hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ đó, hoạt động của đơn vị không bị hạn chế, gián đoạn.

Để vượt giai đoạn khó khăn này, nhiều nhà thầu xây lắp kiến nghị các giải pháp. Đó là, nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà, chồng chéo; đẩy mạnh công tác giao dịch hành chính điện tử, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các ban ngành để giảm số lượng báo cáo của doanh nghiệp. Cùng với đó, bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn giá thị trường vật liệu xây dựng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bằng các chính sách tín dụng, tài chính, giảm lãi suất, giãn nợ, giảm thuế. Đồng thời có giải pháp hiệu quả cắt giảm thủ tục và rút ngắn thời gian thanh toán, giải ngân đối với các công trình có sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước...

Tin cùng chuyên mục