Nhận diện lực cản giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với nhiều vướng mắc do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2022 của nhiều địa phương vẫn chậm. Với đặc thù của chi đầu tư phát triển, kỳ vọng nguồn vốn này sẽ được đẩy nhanh giải ngân hơn vào nửa cuối năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để tạo sự chuyển biến thực sự trong giải ngân đầu tư công, vẫn cần thêm giải pháp đột phá.
Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Tấn Tiên
Giải ngân vốn đầu tư công đến 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Ảnh: Tấn Tiên

6 tháng đầu năm 2022, Hà Nội giải ngân được 21,1% kế hoạch giao, tuy cao hơn cùng kỳ năm 2021, nhưng vẫn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước. Theo UBND TP. Hà Nội, có nhiều khó khăn ảnh hưởng đến giải ngân đầu tư công. Trong đó, các dự án mới chậm khởi công do nhiều dự án phải thực hiện thiết kế 2 bước. Trong các tháng đầu năm chủ yếu tập trung lựa chọn đơn vị thiết kế, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công, thực hiện công tác giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thanh toán. Các dự án tu bổ, tôn tạo di tích thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư dài do phải xin ý kiến thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định; đồng thời các dự án vẫn phải thực hiện thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng.

Đối với dự án chuyển tiếp, theo UBND TP. Hà Nội, hầu hết các chủ đầu tư trong những tháng đầu năm đẩy mạnh thực hiện thi công để hoàn trả khối lượng cho phần vốn tạm ứng năm 2021 và thanh toán kế hoạch vốn năm 2021 kéo dài nên khối lượng thực hiện để giải ngân kế hoạch vốn 2022 chưa nhiều; một số dự án phải điều chỉnh dự án nên chậm giải ngân.

Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn rất nan giải trong việc thực hiện các dự án ở hầu hết các địa phương. Đơn cử tại Hà Nội, trong số 140 dự án cấp Thành phố đã được giao kế hoạch vốn năm 2022 từ đầu năm, có tới 63 dự án gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Theo phản ánh của các chủ đầu tư, trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường…

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cho biết vẫn chịu tác động mạnh của dịch Covid-19, đặc biệt là trong quý I/2022. Ngoài ra, các biến động từ bên ngoài tác động đến nền kinh tế dẫn đến giá nguyên, nhiên, vật liệu, phí vận chuyển tăng cao; khó huy động chuyên gia, lao động chất lượng cao, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án. Nhiều nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan cũng rất rõ. Lãnh đạo nhiều địa phương chỉ ra sự thiếu quyết liệt của một số chủ đầu tư và đơn vị thực hiện công tác liên quan đến giải phóng mặt bằng. Sự phối hợp thực hiện nhiệm vụ giữa một số chủ đầu tư và đơn vị liên quan, các quận, huyện, nhà thầu chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ thi công, hoàn thành thủ tục giải ngân vốn đã giao.

Theo ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), khi có sự giao thoa giữa hai kỳ kế hoạch, chiến lược thì có sự chậm trễ trong xác định, xây dựng, chuẩn bị dự án. Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện các dự án trong kỳ trung hạn 2021 - 2025, các dự án để hoàn thiện thủ tục cần thời gian thông thường 6 - 8 tháng, kể cả dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng mất 5 - 6 tháng.

Rất nhiều vướng mắc cả chủ quan, khách quan khiến giải ngân nguồn vốn chưa có sự chuyển biến lớn trong nửa đầu năm 2022. Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, ước giải ngân đến 30/6/2022 đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 29,02%). Trong đó, 25 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch.

Nhiều địa phương xác định giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong nửa cuối năm. Với đặc điểm của dự án đầu tư công đầu năm chủ yếu thanh, quyết toán khối lượng năm trước, khối lượng năm 2022 tập trung thanh, quyết toán vào cuối năm, các địa phương đều phấn đấu giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.

Dù vậy, theo Bộ KH&ĐT cần thêm các giải pháp căn cơ để tháo gỡ, tạo chuyển biến thực chất cho vấn đề giải ngân đầu tư công. Ông Đỗ Thành Trung cho biết, để kỳ vọng có sự thay đổi lớn về giải ngân đầu tư công thì cần xử lý rất nhiều vướng mắc, vì mỗi dự án đầu tư công không chỉ bị điều chỉnh bởi Luật Đầu tư công, mà còn bị chi phối bởi nhiều luật và phải thực hiện tuần tự từng thủ tục trong từng giai đoạn dự án.

Theo ông Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới, những giải pháp ngắn hạn đã có nhiều, nhưng chỉ thay đổi tạm thời. Vì thế, cần cuộc đại phẫu thực sự cho vấn đề này. Bộ KH&ĐT có thể chủ trì một nghiên cứu toàn diện xây dựng lộ trình xử lý điểm nghẽn, tạo thay đổi về chất trong giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh muốn tăng cường giải pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế.

Tin cùng chuyên mục