Năm 2015, cả nước có 94.754 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 601.519 tỷ đồng. |
Số doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới và số vốn tăng cao, nhất là sau khi Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.
Theo số liệu thống kê, năm 2015, cả nước có 94.754 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 601.519 tỷ đồng; so với năm trước, tăng 26,6% về số DN và tăng 39,1% về số vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân/DN đạt 6,3 tỷ đồng, tăng 9,9% so với năm trước. Có 21.506 DN trước đây gặp khó khăn ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Số lao động dự kiến được tạo việc làm của các DN thành lập mới trong năm 2015 là 1.471.900 người, tăng 34,9% so với năm 2014. Điều này cho thấy hoạt động của các khu vực DN đang chuyển biến tích cực cùng với những tác động bắt đầu có hiệu lực của việc thực thi 2 đạo luật quan trọng này.
Cùng với đó, xu hướng kinh doanh của các DN cũng được đánh giá một cách tích cực bởi chính người trong cuộc. Điều này được phản ánh rõ trong kết quả điều tra về xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do Tổng cục Thống kê vừa công bố.
Cụ thể, có 42,3% số DN đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2015 khả quan hơn quý III; chỉ có 19,5% số DN đánh giá gặp khó khăn và 38,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến về tình hình quý I/2016 so với quý IV/2015, có 40,9% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 17,7% số DN dự báo khó khăn hơn và 41,4% DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Về khối lượng sản xuất, có 44,8% số DN đánh giá khối lượng sản xuất quý IV năm nay tăng so với quý trước; 20,4% số DN đánh giá khối lượng sản xuất giảm và 34,8% DN cho rằng ổn định. Về xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm nay, có 42,2% DN dự báo khối lượng sản xuất tăng lên; 17,6% số DN dự báo giảm và 40,2% số DN dự báo ổn định. Có tới 91,6% DN dự báo năm 2016 có khối lượng sản xuất tăng so với năm 2015.
Cũng theo kết quả khảo sát, về đơn đặt hàng, có 38,6% số DN có số đơn đặt hàng quý IV cao hơn quý III; 20,8% DN có số đơn đặt hàng giảm và 40,6% số DN có số đơn đặt hàng ổn định. Xu hướng quý I năm 2016 so với quý IV năm 2015 khả quan hơn với 38,2% số DN dự kiến có đơn hàng cao hơn; 18,1% số DN dự kiến đơn hàng giảm và 43,7% DN dự kiến có đơn hàng ổn định. Có tới 91,1% số DN lạc quan về số lượng đơn hàng năm 2016 sẽ tăng so với năm 2015. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, có 90,8% số doanh nghiệp dự báo đơn hàng xuất khẩu tăng lên và giữ ổn định trong năm 2016. Điều này cho thấy, kinh doanh tốt lên với lượng đơn hàng gia tăng là xu thế chủ đạo được các DN dự báo.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là kết quả khảo sát về chi phí sản xuất cho thấy, có 24,4% số DN khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý IV/2015 tăng so với quý trước; 10,4% DN cho biết chi phí giảm và 65,2% DN cho rằng chi phí ổn định. Xu hướng trong quý I/2016, có 22,4% số DN dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý IV/2015; 10,9% cho rằng chi phí giảm và 66,7% số DN dự kiến chi phí sản xuất ổn định. Như vậy, việc đưa ra các giải pháp nhằm giảm gánh nặng thuế, phí cho DN cùng với cải thiện môi trường kinh doanh vẫn là bài toán đặt ra đối với các cơ quan nhà nước nhằm giúp các DN có động lực sản xuất kinh doanh và hoạt động thuận lợi trong năm 2016.
Bên cạnh những kết quả nhận định tích cực, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp thuộc Tổng cục Thống kê cho biết, vẫn còn nhiều DN trong nước buộc phải đóng cửa, giải thể. Nguyên nhân là do kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, DN trong nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nền kinh tế thế giới suy giảm thì trong nước bị ảnh hưởng. Do đó, các DN cần nâng cao năng suất lao động, áp dụng khoa học công nghệ tạo ra giá trị cao. “Đặc biệt, trong thời gian tới phải tăng nhanh sức cạnh tranh, đặc biệt là ngay trên sân nhà. Từ đó mới giữ được thị trường trong nước, giảm tình trạng giải thể, phá sản”, ông Phạm Đình Thúy khẳng định.