Nhiều doanh nghiệp dược lãi lớn năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau năm 2023 tăng trưởng tốt, triển vọng ngành dược phẩm năm 2024 được đánh giá có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Trong đó, kênh đấu thầu thuốc (kênh ETC) tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng.
Xu hướng phân phối của thị trường dược đang có sự chuyển dịch từ kênh OTC sang kênh ETC. Ảnh: Nhã Chi
Xu hướng phân phối của thị trường dược đang có sự chuyển dịch từ kênh OTC sang kênh ETC. Ảnh: Nhã Chi

Nhiều DN ghi nhận lợi nhuận kỷ lục

Công ty CP Dược Hậu Giang vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 1.051 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên lãi ròng của Công ty vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng.

Cũng thiết lập mức kỷ lục về lợi nhuận trong năm 2023 còn có Công ty CP Dược phẩm Imexpharm (Imexpharm). Cụ thể, Imexpharm ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.994 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng, tăng 35%. Qua đó, Công ty vượt 23% kế hoạch doanh thu và vượt 24% chỉ tiêu lợi nhuận.

Tại Công ty CP Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar), theo báo cáo tài chính vừa công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2023 cao kỷ lục, đạt 269,3 tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2022. Tương tự, tại Công ty CP Dược phẩm dược liệu (Pharmedic), lãi sau thuế đạt 83,6 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2022 nhưng cũng đủ để thiết lập mức đỉnh mới về lợi nhuận.

Kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2023 được ghi nhận tại nhiều DN ngành dược khác như: Công ty CP Dược phẩm Trung ương 3 với lợi nhuận sau thuế đạt 125,2 tỷ đồng, tăng 15,1% so với năm 2022; Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 báo lãi sau thuế tăng 2,3 lần so với năm 2022, đạt 116 tỷ đồng; Công ty CP Dược Trung ương Mediplantex (Mediplantex) ghi nhận lợi nhuận tăng 1,96 lần so với năm 2022…

Trong năm 2023, trong khi doanh thu phân phối qua kênh OTC (thuốc bán không kê đơn, bán qua kênh bán lẻ của nhà thuốc, quầy thuốc) của nhiều DN dược phẩm tăng trưởng thấp, thậm chí sụt giảm thì sự phục hồi của kênh phân phối thuốc qua đấu thầu tại các bệnh viện và các sở y tế (kênh ETC) đã trở thành động lực tăng trưởng cho các DN trong Ngành.

Tại Imexpharm, doanh thu kênh ETC năm 2023 tăng 40% so với năm 2022 nhờ sự phục hồi nhu cầu của các bệnh viện và danh mục sản phẩm mở rộng, với sự tham gia của các nhà máy EU-GMP đi vào hoạt động trong các năm gần đây. Trong khi đó, doanh thu kênh OTC trong năm 2023 tăng trưởng 8%.

Theo số liệu từ Cục Quản lý dược thuộc Bộ Y tế, tổng giá trị trúng thầu thuốc (tổng hợp kết quả trúng thầu theo báo cáo của các cơ sở y tế báo cáo về Cục Quản lý dược đến từ 1/1 - 26/12/2023) đạt 47.569,8 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh việc bán tốt qua kênh ETC thuận lợi, giá nguyên vật liệu ngành dược không còn biến động bất thường sau khi Trung Quốc - thị trường nguyên liệu dược quan trọng của Việt Nam - mở cửa ngay từ đầu năm 2023, đã giúp DN chủ động trong sản xuất - kinh doanh, biên lợi nhuận cải thiện.

Kênh ETC tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng

Theo ước tính của IQVIA Institute, doanh thu ngành dược phẩm Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) khoảng 8% trong giai đoạn 2019 - 2023. Quy mô dân số đông, xu hướng già hóa và thu nhập tăng tương ứng với nhu cầu gia tăng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe giúp ngành dược Việt Nam được đánh giá còn nhiều dư địa tăng trưởng trong dài hạn. Việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, chẳng hạn EVFTA, giúp DN có thể tận dụng các ưu đãi về thuế quan để mở rộng thị trường xuất khẩu khi đạt được các tiêu chuẩn sản xuất thuốc cao như EU-GMP, PIC/S-GMP hoặc Japan-GMP.

Bộ phận phân tích tại Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset dự báo, ngành dược phẩm sẽ tiếp tục duy trì CAGR 6% trong giai đoạn 2023 - 2028. Riêng năm 2024, giá trị ngành dược phẩm được dự báo tăng trưởng 9,1%.

Mặc dù dư địa tăng trưởng tốt, nhưng xu hướng phân phối của thị trường dược đang có sự chuyển dịch từ kênh OTC sang kênh ETC khi việc sử dụng bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe phổ biến hơn khiến người dân dịch chuyển từ tự mua thuốc sang khám bệnh tại các bệnh viện và mua thuốc theo toa của bác sĩ.

Đón đầu triển vọng tăng trưởng của kênh ETC, Dược Hậu Giang, Imexpharm, Bidiphar, Traphaco, Dược phẩm Cửu Long… đã mạnh tay đầu tư/lên kế hoạch đầu tư vào các dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn cao như EU-GMP hoặc tương đương để sản phẩm đủ khả năng tham gia đấu thầu tại các phân khúc thuộc nhóm đầu. Một số doanh nghiệp coi việc đạt tiêu chuẩn EU-GMP hoặc tương đương cho các dây chuyền sản xuất thuốc là mục tiêu chiến lược để tăng trưởng dài hạn.

Tại Bidiphar, cuối tháng 8/2023, nhà máy sản xuất thuốc điều trị ung thư công nghệ cao tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) được đầu tư đáp ứng các yêu cầu của tiêu chuẩn EU-GMP đã đi vào hoạt động. Công ty đang chuẩn bị hồ sơ đăng ký và các điều kiện đánh giá để được cấp chứng nhận EU-GMP cho nhà máy, với kỳ vọng đây sẽ là cú huých giúp Bidiphar giành thêm thị phần ở các gói thầu thuốc Nhóm 1 và Nhóm 2. Công ty đang triển khai đầu tư dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ, chuyên sản xuất thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác theo tiêu chuẩn EU-GMP với vốn đầu tư 840 tỷ đồng.

Trong tháng 12/2023, Công ty CP Dược phẩm Hà Tây (Dược Hà Tây) công bố hoàn tất đợt phát hành riêng lẻ 8,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông lớn là ASKA Pharmaceutical Co., Ltd (Nhật Bản) và thu về 180,6 tỷ đồng để cơ cấu nợ vay và tiếp tục đầu tư cho Dự án Nhà máy Sản xuất dược phẩm công nghệ cao Hataphar. Đây là dự án quy mô lớn của Dược Hà Tây, sản xuất thuốc tân dược, thuốc có chứa hormone và thuốc từ dược liệu theo tiêu chuẩn PIC/S-GMP/Japan-GMP (tương đương với tiêu chuẩn EU-GMP) để các sản phẩm sản xuất sẽ đủ điều kiện tham gia đấu thầu các phân khúc thuốc Nhóm 1 và Nhóm 2.

Tuy vậy, thời gian đầu tư từ xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, thiết bị đến khi hoàn thiện các thủ tục để được phê duyệt tiêu chuẩn EU-GMP của một dây chuyền dược phẩm có thể kéo dài nhiều năm. Do đó, trong ngắn hạn, lợi thế để tận dụng xu hướng thị trường thuận lợi và chiếm lĩnh thị phần đang thuộc về những DN đã hoàn thành đầu tư hay dự kiến sớm có dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn EU/GMP hoặc PIC/S-GMP/Japan-GMP đưa vào hoạt động như Imexpharm, Dược Hậu Giang, Bidiphar, Mediplantec…

Tin cùng chuyên mục