Năm 2018, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã triển khai chức năng truyền file tốc độ cao, nâng dung lượng e-HSMT lên 300MB - tăng gấp 15 lần trước đây. Ảnh: Lê Tiên |
Những con số “biết nói” về đấu thầu qua mạng
Thống kê trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho thấy, tính từ đầu năm đến cuối tháng 12/2018 đã có tổng cộng hơn 10.200 bên mời thầu (tăng gấp 2,3 lần so với số lượng bên mời thầu đăng ký năm 2017), hơn 18.800 nhà thầu đăng ký vào Hệ thống; gần 120.000 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, gần 100.200 thông báo mời thầu được đăng tải; hơn 18.000 gói thầu áp dụng ĐTQM (tăng gấp 2,3 lần so với cả năm 2017), chiếm tỷ lệ 19% tổng số gói thầu chào hàng cạnh tranh và đấu thầu rộng rãi trong cả nước (chào hàng cạnh tranh qua mạng chiếm 18% tổng số gói thầu chào hàng cạnh tranh; đấu thầu rộng rãi qua mạng chiếm 20% tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi).
Tính chung cả nước, tổng giá trị các gói thầu ĐTQM năm 2018 là 42.000 tỷ đồng, chiếm 6% tổng giá trị các gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi và chào hàng cạnh tranh trên cả nước, trong đó tổng giá trị gói thầu chào hàng cạnh tranh là 5.700 nghìn tỷ đồng (chiếm 11%); tổng giá trị gói thầu đấu thầu rộng rãi qua mạng là 36.300 tỷ đồng (chiếm 5%).
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (QLĐT) thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, trong năm 2018, tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, Cục QLĐT đã chỉ đạo Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia tiếp tục triển khai nhiều nội dung như: hoàn thiện cơ sở pháp lý, nâng cấp hệ thống, đẩy mạnh ĐTQM. Qua đó, ĐTQM đã góp phần nâng cao tính công khai minh bạch và hiệu quả trong công tác đấu thầu, khắc phục tình trạng gây khó dễ trong phát hành hồ sơ mời thầu; tiết kiệm chi phí trong đấu thầu. Theo báo cáo của tỉnh Sơn La, việc áp dụng ĐTQM đã tiết kiệm trung bình 5 triệu đồng/gói thầu, thời gian đấu thầu giảm 7 ngày; số nhân sự huy động tham gia mở thầu và chấm thầu giảm từ 10 người xuống còn 3 người.
Ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết, năm 2018, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã được quản lý, nâng cấp và vận hành an toàn, ổn định; đáp ứng các quy định mới về cung cấp, đăng tải công khai thông tin về đấu thầu, PPP và ĐTQM; mở rộng phạm vi áp dụng ĐTQM các gói thầu sử dụng vốn của Ngân hàng Thế giới (WB)/Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); triển khai chức năng truyền file tốc độ cao, nâng dung lượng hồ sơ mời thầu (e-HSMT) lên 300MB (tăng gấp 15 lần trước đây), qua đó giúp bên mời thầu tổ chức ĐTQM các gói thầu quy mô lớn...
Hiện nay, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã phát triển các công cụ trích xuất thông tin tự động phục vụ công tác báo cáo thống kê số liệu về đấu thầu trên cả nước; kết nối với hệ thống ngân hàng để tra cứu online thông tin về thư bảo lãnh dự thầu...
Kịp thời xử lý tình huống về đấu thầu
Theo đại diện Cục QLĐT, năm 2018, Cục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao, chú trọng công tác hoạch định chính sách, kịp thời giải đáp, xử lý các thắc mắc của nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu, các tình huống trong đấu thầu, qua đó giúp các chủ thể thực hiện đúng các quy định pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, năm 2018, Cục QLĐT đã ban hành gần 1.000 văn bản hướng dẫn thực hiện pháp luật về đấu thầu (xử lý tình huống) cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp...; tiếp nhận và có văn bản trả lời các câu hỏi của công dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ (trung bình 30 câu hỏi/tháng) theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ. Cùng với đó là tiếp nhận và xử lý gần 100 văn bản về kiến nghị trong đấu thầu.
Trong năm 2018, Cục QLĐT cũng tham gia góp ý nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực đấu thầu như: Hồ sơ Dự án Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi; Dự án Luật Quản lý phát triển đô thị; Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị; Luật Đất đai sửa đổi, Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập để thay thế Nghị định số 85/2012/NĐ-CP; Nghị định về đầu tư xây dựng và kinh doanh sân golf; Nghị định về kinh doanh đặt cược bóng đá quốc tế; Thông tư quy định về đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập, Thông tư sửa đổi về đấu thầu thuốc...
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về đấu thầu
Năm 2018, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu ở Trung ương, Cục QLĐT đã thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tư pháp… để chuẩn bị cho quá trình thực thi các cam kết quốc tế về mua sắm chính phủ (MSCP) trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia; nghiên cứu, chuẩn bị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện các điều ước quốc tế về đấu thầu.
Bên cạnh đó, năm 2018, Cục QLĐT cũng đã tham gia chương trình Thị trường MSCP toàn cầu do Tổng cục Mua sắm công Hàn Quốc (PPS) tổ chức tháng 12/2018 để giới thiệu và giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp Hàn Quốc liên quan đến việc tham gia thị trường MSCP tại Việt Nam; đồng thời tổ chức đối thoại hợp tác phát triển về PPP. Trong khuôn khổ đối thoại này, các nhà tài trợ đã cam kết có những hỗ trợ cụ thể cho chương trình PPP của Việt Nam.