Nhiều ràng buộc trách nhiệm khi tham gia đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trước những bất cập trong công tác đấu giá đất thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai. Trong đó, bổ sung quy định ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá theo hướng, phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm, có chế tài xử phạt trong các trường hợp từ chối tham gia đấu giá, trúng đấu giá rồi bỏ cọc, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng...
Theo Dự thảo Nghị định, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có tài sản bảo đảm với giá trị lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Theo Dự thảo Nghị định, tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải có tài sản bảo đảm với giá trị lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Dự thảo Nghị định bổ sung Điều 17a Nghị định số 43/2014/NĐ-CP về đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Trong đó, người tham gia đấu giá QSDĐ phải có đủ các điều kiện: thuộc đối tượng được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai; có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 ha, không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 ha trở lên. Đồng thời, có kinh nghiệm trong việc thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất; ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác. Ngoài ra, người tham gia đấu giá phải nộp tiền đặt trước và có tài sản bảo đảm để bảo đảm năng lực tài chính thực hiện dự án khi trúng đấu giá theo phương án được phê duyệt.

Về khoản tiền đặt trước, khoản tiền này do tổ chức đấu giá và người tham gia đấu giá thỏa thuận, nhưng tối thiểu là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Tiền đặt trước được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam. Trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá.

Đối với tài sản bảo đảm, giá trị của tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá khởi điểm của thửa đất đấu giá. Người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá có thể thỏa thuận thay thế tài sản bảo đảm và tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng.

Trường hợp người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì sẽ phải bồi thường cho Nhà nước thêm một khoản tiền bằng giá trị tiền đặt trước. Sau khi người tham gia đấu giá nộp đủ tiền bồi thường thì sẽ được nhận lại tài sản bảo đảm. Trường hợp người tham gia đấu giá không nộp tiền bồi thường sẽ bị khấu trừ vào tài sản bảo đảm. Ngoài ra, người tham gia đấu giá tự ý bỏ khoản tiền đặt trước và từ chối tham gia đấu giá thì trong thời gian 5 năm không được tham gia đấu giá QSDĐ.

Trong trường hợp người trúng đấu giá QSDĐ không nộp đủ tiền hoặc không nộp tiền theo phương án đấu giá QSDĐ thì sẽ nhận lại giá trị của tài sản bảo đảm sau khi đã trừ đi các chi phí nộp phạt.

Người tham gia đấu giá cũng không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng. Ngoài tiền đặt trước, người tham gia đấu giá phải nộp khoản tiền tương đương 50% giá trị QSDĐ trúng đấu giá và các chi phí đấu giá vào tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Đối với việc thực hiện dự án của người trúng đấu giá, Dự thảo Nghị định quy định, người trúng đấu giá QSDĐ phải thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã được phê duyệt trong phương án đấu giá QSDĐ. Nếu không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì sẽ bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai và không được bồi thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Thế Phượng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Thẩm định giá Việt Nam cho biết, một số quy định mới tại Dự thảo Nghị định sẽ kiểm soát được vấn đề năng lực của nhà đầu tư.

Riêng với trường hợp người tham gia đấu giá không được nhận lại tiền đặt trước trong trường hợp tự ý hủy kết quả trúng đấu giá không có lý do chính đáng, ông Phượng cho rằng, cần định nghĩa rõ ràng, cụ thể các trường hợp, lý do nào là “chính đáng” để quy định pháp lý được rõ ràng, chặt chẽ.

Tin cùng chuyên mục