Gần 50% doanh nghiệp được khảo sát cho biết đã trả phí “bôi trơn” khi làm thủ tục thông quan. Ảnh: Tường Lâm |
Một lần nữa, câu chuyện về chi phí không chính thức lại làm nhức nhối xã hội, làm nản lòng DN làm ăn chân chính.
Phí “bôi trơn” đã quá phổ biến
Với sự vào cuộc của lãnh đạo Chính phủ, sự việc cụ thể nêu trên sẽ được xử lý. Tuy nhiên, điều mà dư luận xã hội và DN quan tâm nhất lúc này không phải là kết quả xác minh, mà chính là câu chuyện về chi phí không chính thức trong kinh doanh đến bao giờ sẽ kết thúc.
Khảo sát về cải cách thủ tục hành chính thuế, mức độ hài lòng của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới công bố cũng nhấn mạnh về vấn đề chi phí không chính thức. Theo kết quả khảo sát, có 30% DN cho biết có hiện tượng phải chi trả chi phí không chính thức. Đối với những DN mới thành lập, mức chi phí này còn cao hơn, vì nếu không thì DN sẽ bị phân biệt đối xử.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế thuộc VCCI, có nhiều hình thức phân biệt đối xử nếu DN không chi trả chi phí không chính thức. Một là bị kéo dài thời gian làm thủ tục. Hai là gặp khó khăn hơn trong những lần thanh tra, kiểm tra sau. Thậm chí, DN bị suy diễn và áp dụng những mức xử lý bất lợi…
Đáng chú ý, theo phản ánh của DN, thái độ của cán bộ thuế thường không văn minh, lịch sự nếu thiếu “bôi trơn”. Thậm chí có trường hợp DN dù làm đúng vẫn phải có khoản phí “bôi trơn”, nếu không có thể sẽ bị bắt bẻ, làm khó trong các thủ tục quyết toán, thanh, kiểm tra thuế.
Các khảo sát của VCCI cũng cho thấy, thủ tục về thuế, phí, bảo hiểm xã hội và thủ tục thông quan vẫn luôn đứng đầu danh mục gây phiền hà cho DN. Năm 2017, gần 50% DN được khảo sát cho biết đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan. Gần 40% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2017. Tuy nhiên, trong trường hợp đưa quà hay hối lộ, chỉ 5% DN cho biết bị cán bộ thanh, kiểm tra đòi hỏi. Đáng chú ý, trên một nửa số DN tin rằng, chi trả “hoa hồng” là cần thiết để bảo đảm trúng trong các cuộc thầu của cơ quan nhà nước…
“Hối lộ đã trở nên quá phổ biến tới mức thậm chí hai bên cũng không cần phải trao đổi với nhau”, một chuyên gia của VCCI bình luận.
Nguyên nhân từ hai phía
Nguyên nhân của thực trạng nêu trên không có gì mới, khi chỉ có khoảng một nửa số DN có thể tiếp cận được các thông tin đấu thầu qua các kênh công khai. 2/3 số DN nói phải có quan hệ để có thể tiếp cận các tài liệu liên quan đến điều hành kinh tế của các địa phương. Rõ ràng, sự chưa minh bạch trong hệ thống quy định về kinh doanh, trong thủ tục hành chính… là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ra quyết định chi trả chi phí không chính thức của DN.
Trong 3 năm qua, nỗ lực của Chính phủ đã giúp giảm nhiều chi phí không chính thức trong những lĩnh vực như thuế, hải quan, tạo một bước tiến về môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do chi phí tuân thủ pháp luật trong một số lĩnh vực còn cao, một số quy định chồng chéo, phức tạp nên vẫn làm tăng thời gian và chi phí cho DN. Đây cũng là cơ hội phát sinh tệ nạn tham nhũng, mà những vụ việc tại hải quan nêu trên chỉ là những vụ việc bị phát hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, việc DN phải chi nhiều khoản không chính thức chủ yếu xuất phất từ phía các cơ quan, công chức, viên chức nhà nước. Bên cạnh đó cũng có nguyên nhân từ DN. Hiện nay, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp, nhưng khâu thực thi vẫn rất yếu. Một bộ phận cán bộ, công chức vẫn thể hiện sự thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn hoặc hướng dẫn không hết, mà tìm cách bắt lỗi DN, không coi DN là đối tượng phục vụ.
“Đây là lý do khiến DN phải “đi đêm”, “chung chi”, theo tinh thần “của công chia ba, của nhà chia đôi”. DN hiểu một phần lý do là tiền lương của cán bộ, công chức còn thấp, đạo đức công vụ thấp, nên họ phải tìm nguồn thu nhập thêm”, ông Thân bày tỏ.
Ngoài ra, cũng có một bộ phận DN nhận thức không đúng nền kinh tế thị trường, thiếu năng lực cạnh tranh, thiếu đạo đức kinh doanh nên đã chạy theo kiểu kinh doanh bằng “quan hệ” để thay thế cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh. Những DN kiểu này thường chủ động “đi đêm”, “chi ngầm” để có được lợi thế trong kinh doanh.