Ảnh minh họa. Ảnh: Lê Tiên |
Chữ ký và con dấu đều thật
Câu chuyện tại tỉnh Bến Tre diễn ra mới đây cho thấy độ tinh vi cũng như liều lĩnh của nhà thầu khi có hành vi không trung thực để cung cấp hợp đồng tương tự trong HSDT, đã đạt đến… “đỉnh cao” mới.
Theo đó, toàn bộ 2 hợp đồng tương tự mà một nhà thầu tại TP.HCM cung cấp cho gói thầu mua sắm thiết bị tại Bến Tre có tổng giá trị gần 30 tỷ đồng. Điều đáng nói, cả hai hợp đồng này không giả, bởi vì cả con dấu, chữ ký đều là thật, do chính các đơn vị ký kết với nhà thầu xác nhận. Tuy nhiên, giá trị thực sự của các hợp đồng lại hoàn toàn ảo. Về hợp đồng đầu tiên, trị giá hơn 12 tỷ ký giữa nhà thầu và một trường học tại TP.HCM, cơ quan điều tra xác nhận: Không có phát sinh việc thực hiện hợp đồng mà đại diện nhà trường chỉ ký dùm để đơn vị này hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý tham gia dự thầu.
Đối với hợp đồng trị giá hơn 16 tỷ đồng, hợp đồng ký từ năm 2016 và biên bản thanh lý hợp đồng được ký vào đầu năm 2017. Tuy nhiên, “hợp đồng trên chưa thực hiện, nhà trường chưa nhận thiết bị bàn giao, biên bản thanh lý hợp đồng phải là 0 đồng nhưng do sơ suất nên trường vẫn ký thanh lý. Trường không có nhận bản thanh lý hợp đồng”, đại diện đơn vị ký hợp đồng với nhà thầu xác nhận.
Từ “ký dùm” đến “sơ suất ký thanh lý” của hai đơn vị mà HSDT của nhà thầu đã nghiễm nhiên lọt sâu vào các bước đánh giá của bên mời thầu. Thậm chí, khi có kiến nghị của nhà thầu về giá trị của các hợp đồng trên, bên mời thầu vẫn hùng hồn cho rằng, các hợp đồng trên đã hoàn thành, thanh lý với chủ đầu tư và đã được công chứng, chứng thực theo đúng quy định về công chứng (có kèm theo hóa đơn tài chính xuất cho Chủ đầu tư). Sau đó, bên mời thầu đã xét HSDT của nhà thầu có 2 hợp đồng tương tự nói trên là đáp ứng căn bản HSMT và được xét trúng thầu.
Cần lưu ý, dù tính chất và diễn biến của việc sử dụng hai hợp đồng tương tự nói trên có khác nhau về tình tiết, nhưng điểm chung đều liên quan đến hóa đơn giá trị gia tăng. Theo đó, tại hợp đồng đầu tiên, phía nhà trường khẳng định không nhận hóa đơn giá trị gia tăng xuất cho hợp đồng nêu trên. Đối với hợp đồng thứ hai, trường cũng không hề nhận bản thanh lý hợp đồng và không có hóa đơn giá trị gia tăng xuất cho hợp đồng này. Như vậy, ngay sau khi lợi dụng các mối quan hệ để đẻ ra được các hợp đồng xét về danh nghĩa là thật (vì chữ ký và con dấu đều là thật) nhà thầu đã lập tức bằng các hành vi khác hợp thức hóa các thủ tục liên quan đến hóa đơn tài chính.
Làm rõ trách nhiệm liên quan
Rõ ràng, nếu nhìn nhận từ nhiều góc độ, sự liên quan trực tiếp của hai đơn vị trường học ký hợp đồng với nhà thầu khi tham dự gói thầu mua sắm tại Bến Tre là không thể chối cãi. Vì hành vi “ký dùm”, “sơ suất vẫn ký thanh lý” của hai đơn vị đã tiếp tay đắc lực cho nhà thầu hợp thức hóa hai bản hợp đồng tương tự có quy mô đáp ứng yêu cầu của HSMT. Chính điều này đã làm sai lệch KQLCNT và khiến bên mời thầu mất thêm thời gian để tìm được nhà thầu phù hợp.
Theo đánh giá của một số đơn vị tư vấn, bên mời thầu, trong trường hợp trên, việc cung cấp thông tin không trung thực của nhà thầu cực kỳ tinh vi. Nếu không có sự quyết liệt xác minh điều tra thì rất khó có thể kết luận được tính xác thực của hai hợp đồng nêu trên.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, không ít ý kiến quan ngại về việc liên đới của các đơn vị trực tiếp ký hợp đồng với nhà thầu dẫn đến hệ lụy xấu cho việc lựa chọn nhà thầu. “Việc xử phạt như cấm thầu đối với nhà thầu do hành vi không trung thực là tất yếu, là bài học cho những nhà thầu làm ăn bát nháo. Tuy nhiên, những đơn vị dám tiếp tay cho nhà thầu trong trường hợp này cũng cần có sự răn đe đúng mực để làm gương cho những đơn vị khác. Bởi vì lâu nay, chúng ta mới quen xử lý đối với những nhà thầu gian dối, tự lập hợp đồng khống, làm giả con dấu, chữ ký, tự tô vẽ năng lực mà chưa đề cập đến trách nhiệm của những đơn vị “nhắm mắt ký liều” để hợp thức hóa những tài liệu không có giá trị này”, một đơn vị tư vấn chia sẻ.