Gói thầu hệ thống MRI 46 tỷ tại Bệnh viện Thống Nhất: Vướng kiến nghị thông số kỹ thuật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Vào 10h11 ngày 2/5/2024, Bệnh viện Thống Nhất hoàn tất mở thầu Gói thầu TB02 Cung cấp hệ thống chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla (giá gói thầu 46,865 tỷ đồng). Trong quá trình mời thầu, Gói thầu đã phát sinh kiến nghị về việc thông số kỹ thuật của thiết bị mua sắm gây khó khăn cho các hãng tham gia cạnh tranh.
Ngày 2/5, Bệnh viện Thống Nhất hoàn tất mở thầu Gói thầu TB02 Cung cấp hệ thống chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla (giá gói thầu 46,865 tỷ đồng). Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ngày 2/5, Bệnh viện Thống Nhất hoàn tất mở thầu Gói thầu TB02 Cung cấp hệ thống chụp cộng hưởng từ 3.0 Tesla (giá gói thầu 46,865 tỷ đồng). Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Biên bản mở thầu cho thấy, chỉ có Công ty CP Sản xuất Thương mại và Dịch vụ Hoàn Châu tham gia gói thầu này.

Theo tìm hiểu, ngày 26/4/2024, trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia ghi nhận đơn kiến nghị của nhà thầu. Theo đó, nhà thầu cho rằng, yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật được đưa ra khá sát với thông số cụ thể trong tài liệu kỹ thuật về hệ thống chụp cộng hưởng (MRI) của hãng Siemens.

Cụ thể, về yêu cầu khối từ siêu dẫn 3.0 Tesla, HSMT yêu cầu độ lớn từ trường khối từ siêu dẫn 3 Tesla, độ ổn định từ trường <=0,1 ppm/h, trọng lượng khối từ (bao gồm chất làm lạnh)<=6.000kg, chiều dài khối từ <=1,75m, đường kính khoang từ >=70cm. Theo nhà thầu, các thông số này tương đối sát, đủ để hệ thống Magnetom Lumina của hãng Siemens đáp ứng. Yêu cầu độ đồng nhất từ trường bảo đảm đo trên >=24 mặt phẳng cũng sát với thông số tại 10cm DSV<0.005ppm, và 30cm DSV<0.15ppm của Magnetom Lumina...

Đặc biệt, theo nhà thầu, thông số về chuỗi xung thu nhận là EPI factor (hệ số tăng tốc) >=256. “Thông số của riêng hệ thống Magnetom Lumina, các hãng sản xuất hệ thống MRI lớn khác trên thế giới như GE, Philips không thể đáp ứng”, nhà thầu phản ánh.

Hệ thống chênh từ cũng được nhà thầu vạch ra loạt thông số mà lợi thế thuộc về Siemens. Cụ thể, độ lớn chênh từ trên 1 trục (áp dụng trên hệ thống-không sử dụng định nghĩa tương đương) >35Mt/m; tốc độ xoay quanh trục tối đa theo trục ngang (áp dụng trên hệ thống-không sử dụng định nghĩa tương đương) >=200T/m/s. “Các hãng khác thường cung cấp là 36mT/m và 150T/m/s hoặc dòng có thông số 45Mt/m và 200T/m/s. Thông số bộ khuếch đại của Gradient cũng trùng với thông số của Siemens”, nhà thầu phản ánh.

Ngoài ra, về phần mềm hệ thống, HSMT mô tả quá chi tiết, đặc thù và trùng khớp câu chữ rất nhiều về tính năng, thứ tự trình bày trong tài liệu kỹ thuật của Siemens. Nhà thầu đã dẫn chứng đường link của hãng này để Bên mời thầu đối chiếu. Về phần mềm và ứng dụng chụp vùng bụng, HSMT yêu cầu chụp cần nín thở bằng xung T1 (FLASH) mà theo các nhà thầu là tên chuỗi xung của hãng Siemens…

“Việc chủ đầu tư đưa ra các yêu cầu sát với cấu hình của 1 hãng cụ thể và các hãng còn lại không thể đáp ứng hết thì có được xem là hành vi gây hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu không? Đề nghị Bên mời thầu xem xét thay đổi phù hợp để tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu tham dự nhằm có 1 gói thầu mang tính minh bạch, cạnh tranh, không giới hạn nhà thầu”, văn bản kiến nghị của nhà thầu cho biết.

Cùng ngày 2/5/2024, Bệnh viện Thống Nhất có văn bản trả lời kiến nghị của nhà thầu. Theo Bên mời thầu, “các thông số kỹ thuật trong HSMT được lập bảo đảm đáp ứng nhu cầu tối thiểu để thực hiện các chuyên môn chăm sóc sức khỏe người bệnh. Cấu hình, thông số kỹ thuật yêu cầu đã được thông qua bởi Hội đồng Khoa học và Công nghệ căn cứ trên nguồn vốn được duyệt, định hướng phát triển của đơn vị cũng như rút kinh nghiệm từ những thiết bị thực tế đang sử dụng”. Bên mời thầu cũng cho biết “các thông số này đều được mở rộng bằng các dấu <=, >=, cụm từ hoặc tương đương nhằm đảm bảo không hạn chế, không mang tính giới hạn định lượng hay định tính các tiêu chí yêu cầu, không giới hạn các công nghệ của các hãng trên thế giới”.

Trao đổi với phóng viên, một số nhà cung cấp thiết bị y tế tỏ ra chưa đồng thuận với trả lời của Bên mời thầu. “Đối với các yêu cầu trên của HSMT, nhà thầu không có cơ sở để chứng minh tính tương đương, vì Bên mời thầu gần như chỉ tham khảo thông số của duy nhất 1 hãng, thậm chí tên phần mềm cá biệt của hãng. Trong khi đó, trên thị trường có nhiều hãng uy tín, đáp ứng tốt nhu cầu chuyên môn”, nhà thầu cho biết.

Trong khi đó, theo một số đơn vị tư vấn đấu thầu thiết bị y tế, Hội đồng Khoa học và Công nghệ có quyền chọn thiết bị phục vụ nhu cầu chuyên môn, trên cơ sở có nhiều thông số, cấu hình, hãng thiết bị tương đương để so sánh, cân nhắc. Hội đồng sẽ không có nhiều lựa chọn nếu các thông số chỉ tham khảo từ 1 hãng duy nhất.

Tin cùng chuyên mục