Xây dựng tiêu chí xanh, thúc đẩy đấu thầu bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đấu thầu bền vững là xu hướng tất yếu của thế giới, mang lại tác động tích cực về môi trường, xã hội và kinh tế trong suốt vòng đời dự án. Theo các chuyên gia, để xanh hóa hoạt động mua sắm công, khi xây dựng hồ sơ mời thầu (HSMT) cần ưu tiên các tiêu chí mua sắm xanh, đấu thầu xanh, hướng tới mục tiêu lựa chọn được sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường với chi phí hợp lý.
Đấu thầu xanh sẽ giúp chủ đầu tư mua được những sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, khuyến khích phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Nhã Chi
Đấu thầu xanh sẽ giúp chủ đầu tư mua được những sản phẩm thân thiện với môi trường, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, khuyến khích phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo. Ảnh: Nhã Chi

Tại Hội nghị Mua sắm xanh trong lĩnh vực hàng hóa ngày 30/6/2025, TS. Lunchakorn Prathumratana, chuyên gia hỗ trợ chính sách của EU SWITCH-Asia cho biết, đấu thầu bền vững giúp hài hòa 3 yếu tố: môi trường (chất lượng không khí, sử dụng nước, năng lượng, phát thải khí nhà kính); xã hội (quyền lợi của người lao động, vấn đề đạo đức, lao động trẻ em) và kinh tế (kinh tế địa phương, chi phí vòng đời sản phẩm, việc làm). Đấu thầu xanh sẽ giúp chủ đầu tư mua được hàng hóa/dịch vụ phù hợp với các mục tiêu bền vững của quốc gia, những sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm phát thải và chất thải, hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, khuyến khích phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tái sử dụng sản phẩm, tái chế và thiết kế giảm chất thải…

Theo ông Lê Duy Cường, Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu thuộc Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Tài chính, rào cản lớn nhất khi thực hiện mua sắm xanh là chi phí ban đầu cao. Doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường phải đầu tư lớn vào dây chuyền công nghệ, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Trong khi đó, quy trình đấu thầu hiện nay mới dừng ở mức độ khuyến khích, chưa bắt buộc tuân thủ nên nhà thầu, nhà sản xuất và cung cấp hàng hóa, dịch vụ vẫn e ngại khi theo đuổi sản phẩm xanh.

TS. Nguyễn Bảo Thoa, chuyên gia hỗ trợ chính sách của EU SWITCH-Asia chia sẻ một thực tế: công nghệ giảm phát thải khí nhà kính cần đầu tư lớn, điều này sẽ làm tăng chi phí mua sắm hàng hóa trong khi ngân sách hạn chế, khiến Chính phủ dè dặt trong việc ưu tiên mua sắm xanh. Hơn nữa, thống nhất các tiêu chí thân thiện với môi trường trong cả vòng đời sản phẩm cũng là việc khó, dẫn đến nhiều nơi chỉ xét giá mua sản phẩm ban đầu mà không tính đến toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Vì vậy, việc lồng ghép các tiêu chí xanh trong HSMT cần cân nhắc đến tính khả thi.

Tuy nhiên, theo bà Phạm Minh Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu, dù khó khăn nhưng phải kiên trì theo đuổi con đường mua sắm xanh vì đây là “chìa khóa” biến chi tiêu công thành động lực thúc đẩy phát triển bền vững. Vấn đề hiện nay là cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, người sử dụng, chủ đầu tư và tạo thói quen sử dụng các sản phẩm có dán nhãn sinh thái, giúp người tiêu dùng và các tổ chức mua sắm nhanh chóng nhận diện sản phẩm hoặc dịch vụ "ưu việt về môi trường" trong một danh mục nhất định. Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu đã phối hợp cùng với các chuyên gia mua sắm hàng đầu của EU SWITCH-Asia soạn thảo Sổ tay hướng dẫn đấu thầu bền vững. Sổ tay này là công cụ quan trọng giúp các chủ đầu tư, đơn vị mua sắm nâng cao năng lực trong quản lý và triển khai đấu thầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh và toàn diện.

Doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường phải đầu tư lớn vào dây chuyền công nghệ, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp cung ứng các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường phải đầu tư lớn vào dây chuyền công nghệ, dẫn đến giá thành sản phẩm cao. Ảnh: Lê Tiên

Theo khuyến nghị từ chuyên gia quốc tế, để thúc đẩy các chương trình, chính sách đấu thầu xanh, cần xây dựng các tiêu chí sử dụng nhãn sinh thái trong quy trình đấu thầu. Nhãn sinh thái có thể được sử dụng trong 3 giai đoạn chính của quy trình đấu thầu, gồm: khi đưa ra các yêu cầu kỹ thuật; tiêu chí đánh giá để hỗ trợ chấm điểm và đánh giá hồ sơ dự thầu; điều khoản thực hiện hợp đồng và cần có tổ chức độc lập xác minh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Hồ sơ dự thầu bao gồm: chi phí mua, chi phí vận hành, bảo trì và xử lý cuối vòng đời trong giai đoạn 5 năm.

Trên thế giới, Chính phủ Thái Lan đã đưa ra quy định thúc đẩy đấu thầu xanh như HSMT yêu cầu các sản phẩm mua sắm (dự án kỹ thuật dân dụng, công nghệ thông tin, dịch vụ cơ sở vật chất như vệ sinh, hệ thống sưởi - thông gió - điều hòa, dịch vụ ăn uống, dịch vụ quản lý) phải tập trung vào giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải CO2. Theo đó, khi tham gia đấu thầu, nhà thầu phải chọn mức thực hiện theo bậc thang hiệu suất CO2, mỗi mức thực hiện tương ứng với tỷ lệ chiết khấu giá dự thầu (mức càng cao, chiết khấu càng lớn). Sau khi trúng thầu và thực hiện hợp đồng, nhà thầu phải chứng minh được việc đáp ứng cam kết trước đó (thông qua một tổ chức chứng nhận độc lập). Chính sách đấu thầu của Liên minh châu Âu thì khuyến khích áp dụng dấu chân môi trường của sản phẩm, đánh giá vòng đời của sản phẩm đối với môi trường…

Ở Việt Nam, sau khi các nội dung sửa đổi của Luật Đấu thầu có hiệu lực (từ ngày 1/7/2025), nhiều quy định mới liên quan đến đấu thầu xanh/đấu thầu bền vững đang được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn để ưu tiên lựa chọn được những sản phẩm sử dụng hiệu quả tài nguyên, tối đa hóa vật liệu và giảm tiêu dùng không cần thiết, khuyến khích phát triển công nghệ xanh và đổi mới sáng tạo thân thiện môi trường…

Tin cùng chuyên mục