![]() |
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã hoàn tất LCNT Gói thầu Thuốc generic thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương trong vòng hai tháng rưỡi. |
Theo kết quả rà soát sơ bộ từ đầu năm 2025 đến nay, thời gian tổ chức LCNT mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế trung bình đã được rút ngắn đáng kể, chỉ còn khoảng 2 - 3 tháng.
Cụ thể, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh đã hoàn tất LCNT Gói thầu Thuốc generic thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương trong vòng hai tháng rưỡi.
Tại Cần Thơ, Gói thầu số 01 Thuốc generic và Gói thầu số 02 Vị thuốc cổ truyền cũng hoàn tất LCNT trong khoảng 3 tháng. Cả hai gói thầu đều thuộc Dự toán Cung cấp thuốc tập trung cấp địa phương năm 2024 phục vụ điều trị cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ của đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2024 - 2025, do Bệnh viện Phụ sản TP. Cần Thơ mời thầu.
Tại TP.HCM, Gói thầu Thuốc generic thuộc Dự toán Cung cấp thuốc mua sắm tập trung cấp địa phương năm 2025 - 2026 (TP.HCM) do Bệnh viện Nhân dân Gia Định mời thầu cũng hoàn thành công tác LCNT trong hơn 3 tháng (từ ngày 27/12/2024 -1/4/2025).
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhận định, kết quả tích cực này có được là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế, trong đó có việc điều chỉnh, hoàn thiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi năm 2024, Luật Dược năm 2024, Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Dù tiến độ có cải thiện, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2025, số mặt hàng thuốc, hóa chất, vật tư y tế không có nhà thầu tham dự/trúng thầu vẫn ở mức cao. Gói thầu Thuốc generic thuộc Dự toán Mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh năm 2024 - 2025 có tới 39 phần không có nhà thầu tham dự; 23 phần không có nhà thầu trúng thầu. Gói thầu số 01 thuộc Dự toán Cung cấp thuốc tập trung cấp địa phương năm 2024 phục vụ điều trị cho các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Cần Thơ của đơn vị mua sắm thuốc tập trung cấp địa phương năm 2024 - 2025 có 155/1.318 phần (lô) không có nhà thầu tham dự.
Nhiều gói thầu xuất hiện tình trạng giá dự thầu vượt giá kế hoạch, được xử lý tình huống. Theo quy định, nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và thuộc danh sách xếp hạng đều vượt giá gói thầu đã duyệt, thì chủ đầu tư xem xét, quyết định xử lý tình huống, trong đó có thể cho phép các nhà thầu này được chào lại giá dự thầu nếu giá gói thầu đã bao gồm đầy đủ các yếu tố cấu thành chi phí thực hiện gói thầu.
Ví dụ, phần thuốc Sulpirid của Gói thầu Thuốc generic do Bệnh viện Nhân dân Gia Định mời thầu có 3 nhà thầu tham dự, trong đó 2 nhà thầu đạt yêu cầu kỹ thuật nhưng đều chào vượt giá. Sau khi chào lại, giá của Công ty TNHH Dược phẩm Trang thiết bị y tế BIN BO giảm từ 7,852 tỷ đồng xuống còn 6,853 tỷ đồng, Công ty Dược phẩm Nam Tiến giảm từ 7,852 tỷ đồng xuống còn 7,535 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp nhà thầu không điều chỉnh giá dù được yêu cầu chào lại. Tại Gói thầu Vị thuốc cổ truyền thuộc Dự toán Mua sắm tập trung thuốc cấp địa phương cho các cơ sở y tế trong tỉnh Thái Bình năm 2025 - 2026, 13 nhà thầu được yêu cầu chào lại giá, nhưng kết quả là giá vẫn không thay đổi.
Tương tự, Tại Gói thầu số 02 Mua hóa chất, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm y tế thuộc Dự toán Mua sắm tập trung hóa chất, vật tư xét nghiệm, vật tư y tế, sinh phẩm y tế cho các đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Hưng Yên năm 2025, Công ty TNHH Kỹ thuật Thanh Hà không điều chỉnh giá dự thầu khi được yêu cầu chào lại giá đối với Phần 15 Hóa chất cho máy phân tích huyết học DxH690T.
Đáng chú ý, dù áp dụng hình thức chào giá trực tuyến rút gọn, nhưng Bệnh viện Đa khoa khu vực Cam Ranh (Khánh Hòa) vẫn trắng thầu 5/8 mặt hàng do không có nhà thầu tham dự. Tình trạng này tiếp tục tái diễn trong lần chào thầu thứ hai với 7/11 phần không có nhà thầu tham dự.
Tựu trung lại, công tác đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế đang có những cải thiện tích cực về mặt tiến độ. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực chất, vẫn cần những nỗ lực mạnh mẽ hơn từ phía các cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện nhằm khắc phục tình trạng thiếu vắng nhà thầu, giá chào vượt khung.
Theo khuyến nghị của chuyên gia đấu thầu quốc tế, việc thường xuyên tổng kết, đánh giá hoạt động đấu thầu định kỳ trong 6 tháng, 1 năm là rất cần thiết nhằm nhận diện kịp thời những bất cập trong thực tiễn, từ đó có hướng điều chỉnh chính sách phù hợp. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu quả mua sắm, bảo đảm thuốc, hóa chất, vật tư y tế không bị đứt gãy nguồn cung.