Từ thực tiễn nhiều gói thầu thời gian qua, công thức 3 - 2 - 1 thường được áp dụng theo 2 kịch bản phổ biến.
Kịch bản thứ nhất, 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), 2 nhà thầu bị loại từ bước đánh giá về kỹ thuật, chỉ có một nhà thầu lọt vào bước đánh giá về tài chính. Lý do bị loại của 2 nhà thầu “quân xanh” trong kịch bản này là những lý do mà bất kỳ nhà thầu nào tham dự thầu với mục đích để trúng thầu sẽ khó phạm phải, như: quên điền ngày có hiệu lực của HSDT, không ký đơn dự thầu, không nộp bảo đảm dự thầu, HSMT yêu cầu một đằng HSDT chào một nẻo,… Thậm chí có trường hợp, nhà thầu trúng thầu chính là nhà thầu chuẩn bị HSDT cho cả 3 nhà thầu tham dự, những bộ HSDT cho nhà thầu “quân xanh” nhiều trường hợp là những bản mẫu đã được in sẵn, chỉ cần đổi tên nhà thầu, gói thầu và nộp cho có.
Kịch bản thứ hai, có 3 nhà thầu nộp HSDT, cả 3 cùng đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, nhưng 2 nhà thầu có giá dự thầu vượt giá gói thầu, chỉ 1 nhà thầu có giá thấp hơn giá gói thầu và được lựa chọn. Hoặc để không quá lộ liễu, giá dự thầu của cả 3 nhà thầu đều thấp hơn giá gói thầu chút ít, thậm chí chỉ ít hơn khoảng 5 - 7 nghìn đồng, và trong khoảng cách sát sao đó, giá dự thầu của 2 nhà thầu “quân xanh” chỉ cao hơn giá của nhà thầu “quân đỏ” 1 - 2 nghìn đồng, vừa đủ để nhà thầu “quân đỏ” trúng thầu với giá “cạnh tranh” hơn.
Và để đạt được kịch bản đề ra, không ít trường hợp, 3 nhà thầu này phải “dàn trận” cản các nhà thầu khác tham dự, từ thỏa thuận êm đẹp bằng cách “bồi dưỡng” cho các nhà thầu khác tự rút, đến việc cản trở mua HSMT, ngăn chặn không cho nộp HSDT…
Câu hỏi đặt ra là chỉ nhà thầu thông thầu hay có cả sự hỗ trợ của chủ đầu tư? Có chủ đầu tư nói rằng họ thực hiện đúng quy trình, thủ tục đấu thầu, việc nhà thầu tham dự thế nào, HSDT ra sao là việc của nhà thầu. Thế nhưng, thực tế có không ít chủ đầu tư/bên mời thầu và nhà thầu “quân đỏ” bắt tay dàn xếp, tạo ra công thức 3 - 2 - 1, biểu hiện rõ nhất là việc chủ đầu tư/bên mời thầu lẩn trốn bán HSMT, chỉ nhà thầu “quân đỏ” và 2 nhà thầu “quân xanh” mua được HSMT, nộp HSDT, vừa đủ số lượng nhà thầu tham dự để không phải xử lý tình huống.
Trong cả 2 kịch bản, nhà thầu trúng thầu thường được lựa chọn với giá trúng thầu giảm không đáng kể so với giá gói thầu, thậm chí trùng khớp giá gói thầu.
Theo quy định của pháp luật về đấu thầu, thông thầu là một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu, có thể bị xử lý bằng cách cấm tham gia hoạt động đấu thầu từ 3 năm đến 5 năm. Vấn đề ở chỗ, người có thẩm quyền phải kiên quyết xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi thông thầu. Và để có được sự kiên quyết này, người có thẩm quyền cần công minh, trong sạch, có trách nhiệm, không tiếp tay cho hành vi thông thầu.