Dự án Nhà máy Sản xuất xe máy, ô tô VINFAST là minh chứng rõ nhất cho triết lý kinh doanh “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của doanh nhân Phạm Nhật Vượng. Ảnh: Lê Tiên |
Sau 20 năm mở cửa cho các liên doanh sản xuất ô tô với nhiều ưu đãi nhưng vẫn chưa có thương hiệu ô tô Việt Nam. Giấc mơ ô tô “Made in Việt Nam” dần trở thành hiện thực khi người tiêu dùng đã được chiêm ngưỡng tận mắt 3 mẫu ô tô Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 được sản xuất bởi VINFAST - Công ty thành viên của Tập đoàn Vingroup.
Với tham vọng trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu Đông Nam Á vào năm 2025, VINFAST được kỳ vọng sẽ viết tiếp giấc mơ còn dang dở của Vinaxuki và đi xa hơn Thaco (tạm dừng ở việc hợp tác cùng các thương hiệu ngoại để lắp ráp và phân phối các dòng xe Kia, Madza, Peugeot).
Nổi danh với hình ảnh doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hàng đầu Việt Nam, Dự án Nhà máy Sản xuất xe máy, ô tô VINFAST là minh chứng rõ nhất cho triết lý kinh doanh “Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp” của ông Vượng. Hơn thế nữa, ông Vượng còn tham vọng biến Vingroup trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong 10 năm tới, trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Với mảng công nghiệp, Vingroup tiếp tục đẩy mạnh sản xuất ô tô và sản xuất các sản phẩm điện thông minh - gia dụng. Dự kiến ngay cuối năm nay, Vingroup sẽ cho ra mắt điện thoại và tivi thông minh. Đồng thời với việc sản xuất, Vingroup sẽ đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp ra thị trường thế giới. Với mảng công nghệ, Vingroup sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất các phần mềm và nghiên cứu phát triển các nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty đã thành lập hai viện nghiên cứu là Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech (VHT).
Trong một cuộc nói chuyện về chủ đề lập nghiệp, cựu Chủ tịch HĐQT Him Lam, Chủ tịch Ngân hàng Sacombank Dương Công Minh chia sẻ: “Anh Vượng là một con người đặc biệt, tạo nên những sản phẩm không chỉ Việt Nam cần mà thế giới cũng cần, những thứ chỉ cần đi đến thế là cùng rồi. Tạo nên những sản phẩm như thế thì cần phải có gan to, thứ hai là nhiều tiền, anh Vượng thì tiền huy động dễ lắm, nhưng cũng có tầm nhìn rộng và dám làm".
Bức tranh chung của ngành sản xuất thép Việt Nam hiện tại khiếm khuyết hai công đoạn sản xuất trong chuỗi giá trị ngành thép, đó là công đoạn sản xuất thép phiến (slab) và thép cuộn cán nóng (HRC).
HRC ở Việt Nam chủ yếu được ứng dụng để cán ra thép cán nguội (CRC) nhằm sản xuất ra sản phẩm cuối cùng là tôn mạ và ống thép, những sản phẩm phổ biến nhất trong ngành xây dựng bên cạnh thép dài xây dựng. Trên thế giới, HRC còn được ứng dụng ở ngành công nghiệp ô tô, khung gầm xe tải, bình gas, container… Còn CRC được áp dụng rộng rãi trong sản xuất ô tô, máy lạnh, tủ lạnh, máy vi tính, công nghiệp điện, đầu máy toa xe lửa, dụng cụ chính xác...
Hiện doanh nghiệp trong nước phải nhập nguyên liệu HRC từ nước ngoài, phải chịu thuế, phí, rủi ro tỷ giá và thời gian giao hàng. Theo thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu nhập khẩu HRC của Việt Nam rất lớn, ước tính khoảng 3.854 triệu tấn (trong năm 2016) và tăng trưởng bình quân 22,6%/năm trong giai đoạn 2013 - 2016. Hiện tại thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc, chiếm 80% tổng sản lượng nhập khẩu.
Nhu cầu nội địa lớn, tuy nhiên, suất đầu tư ban đầu khá lớn và yêu cầu lực lượng lao động với kỹ thuật công nghệ cao là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước chưa mặn mà với việc đầu tư nhà máy HRC, một chuyên gia trong ngành cho biết.
Ngoài nhà máy của Formosa, Tập đoàn Hòa Phát đang đầu tư nhà máy HRC với Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (Dự án Dung Quất) có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng. Dự kiến sau năm 2019, Dự án Dung Quất của Hòa Phát cùng với Formosa sẽ cung cấp được 70% nhu cầu HRC trong nước vào khoảng 10 triệu tấn/năm.
Dự án Dung Quất không chỉ giúp Hòa Phát tăng gấp đôi công suất, mà còn được cho là đáng tự hào khi lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được thép dẹt, “thép hightech”, sản phẩm cơ bản trong phát triển các ngành công nghiệp nặng quan trọng như đóng tàu, xe hơi. “Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp của người Việt tự sản xuất được mặt hàng thép cuộn cán nóng, hiện tại chỉ có Formosa sản xuất, nhưng Formosa là doanh nghiệp FDI”, ông Trần Đình Long trả lời phỏng vấn của Forbes.
Hơn nữa, Dự án Dung Quất đã, đang tạo đà thu hút nhiều dự án công nghiệp hỗ trợ vào Khu kinh tế Dung Quất.
Ngày 15/12 vừa qua, kênh truyền thông uy tín hàng đầu thế giới Bloomberg công bố danh sách Top 50 nhà lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu "The Bloomberg 50" với đại diện của Việt Nam đầu tiên là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air. Thành công của bà Thảo gắn liền với sự hình thành và phát triển của VietJet Air.
Trong bối cảnh ngành hàng không gần như độc quyền bởi Vietnam Airlines, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam - Vietjet Air đã được ra đời với phương châm “mang lại cơ hội đi lại bằng máy bay cho tất cả mọi người”.
Thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011. Sang năm 2012, thị phần Vietjet chỉ ở mức 8% còn Vietnam Airlines lên tới 70%. Tuy nhiên, liên tục các năm sau đó, Vietjet Air với chiến lược đúng hướng đã đều đặn tăng trưởng, thị phần đạt 41% vào năm 2016 trong khi Vietnam Airlines giảm xuống còn dưới 42%.
Trong một thông điệp gửi tới cổ đông và nhà đầu tư, vị nữ tỷ phú bày tỏ tham vọng xây dựng một hãng hàng không gọi là "consumer airlines". Điều đặc biệt của mô hình hàng không này đó là không chỉ đơn thuần phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách, hàng hoá, mà còn tạo ra một hệ sinh thái riêng trên nền tảng công nghệ.
"Hãng hàng không mới này sẽ cung cấp nhiều sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của hành khách, ngoài ra có thể cho vay tài chính, bán bảo hiểm, thương mại điện tử…", bà Thảo cho biết.