Quy trình thẩm định giá để trình của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm trong đấu giá còn kéo dài. Ảnh: Đinh Tuấn |
Nhiều tổ chức, doanh nghiệp kỳ vọng các văn bản hướng dẫn Luật sẽ có chất lượng tốt, khắc phục được những bất cập, tiêu cực trong hoạt động đấu giá thời gian tới.
Tăng chế tài xử phạt
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết, cả nước hiện có 371 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực ĐGTS. Là lĩnh vực liên quan đến rất nhiều đối tượng, có phạm vi điều chỉnh rộng, nên khi Luật ĐGTS được ban hành, hoạt động ĐGTS được chuyên nghiệp hoá rất nhanh. Chất lượng hoạt động đấu giá không ngừng được nâng cao.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng thẳng thắn thừa nhận, hiện tượng tiêu cực trong ĐGTS vẫn còn khá phổ biến, nhất là trong ĐGTS thi hành án. “Theo đánh giá của Tổng cục Thi hành án dân sự, chất lượng các phiên đấu giá chưa cao; quá trình đấu giá còn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá; việc bàn giao tài sản cho người mua được tài sản bán đấu giá cũng còn nhiều khó khăn khiến người dân “tẩy chay” ĐGTS thi hành án”, ông Dũng cho biết.
Sở Tư pháp TP.HCM cho biết, thời gian qua, có nhiều phản ánh về hiện tượng hạn chế thông tin trong bán ĐGTS. Ở một số địa phương còn xuất hiện tình trạng bên có tài sản nhà nước cấu kết với tổ chức bán đấu giá thực hiện việc bán đấu giá không đúng trình tự. Một trong số các hành vi hạn chế thông tin trong đấu giá có thể kể đến như thông báo đấu giá không rõ ràng, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá; không cung cấp hồ sơ, không cho khách hàng xem tài sản đấu giá; địa chỉ tổ chức bán đấu giá không rõ ràng, khó tìm hoặc thậm chí đóng cửa.
Để xử lý các hành vi vi phạm trong ĐGTS, Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan này đang tiến hành lấy ý kiến để sửa đổi 2 nghị định về xử phạt trong lĩnh vực tư pháp, trong đó có quy định về ĐGTS. Theo đó, chế tài xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động ĐGTS sẽ rất khiêm khắc. Việc tước cơ hội hành nghề đấu giá viên, thậm chí là khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự sẽ được kiến nghị áp dụng để tăng sức ren đe với những cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm quy định về ĐGTS.
Cần điều chỉnh các quy định liên quan
Chia sẻ những khó khăn trong quá trình bán ĐGTS nhà nước, các đơn vị hoạt động ĐGTS tại TP.HCM cho biết, hiện nay, quy trình thẩm định giá để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm còn kéo dài, gây mất nhiều thời gian. Mặt khác, giá khởi điểm tài sản đấu giá quá cao, các quy định có liên quan về đất đai, thuế... vênh nhau cũng gây nhiều khó khăn cho hoạt động đấu giá.
Liên quan đến quy định hoạt động đấu giá, hiện Thông tư số 41/2015/TT-BTC sửa đổi Điều 9 Thông tư số 39/2011/TT-BTC ngày 22/3/2011 của Bộ Tài chính về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước vẫn còn một số ý kiến trái chiều.
Cụ thể, theo Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS TP.HCM, Thông tư số 41/2015/TT-BTC quy định, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá hoặc Sở Tài chính ban hành Thông báo về giá bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, toàn bộ số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được nộp vào tài khoản tạm giữ của Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính.
Quá thời hạn 90 ngày mà chưa nộp tiền vào tài khoản tạm giữ do nguyên nhân tổ chức, cá nhân mua tài sản chưa nộp tiền thì tổ chức, cá nhân mua tài sản phải nộp tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Kết quả đấu giá sẽ bị hủy nếu người trúng đấu giá không nộp đủ tiền trong thời gian 180 ngày kể từ ngày đấu giá thành công và không được hoàn trả tiền đặt trước khi tham dự đấu giá.
Theo Trung tâm Dịch vụ bán ĐGTS TP.HCM, quy định như nêu trên chưa phù hợp và thiếu khoa học. Bộ Tài chính nên đưa ra các khung giá khởi điểm để quy định thời hạn nộp tiền trúng đấu giá phù hợp, nhất là trong bối cảnh Nhà nước đang cần nguồn thu cho ngân sách.