Đây là kết quả nghiên cứu của Báo cáo chỉ số PAPI năm 2019 vừa được nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) phối hợp cùng Công ty Phân tích thời gian thực, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT) công bố sáng ngày 28/4.
Theo Nhóm nghiên cứu, 5/6 chỉ số lĩnh vực nội dung gốc của chỉ số PAPI có xu thế biến đổi theo hướng tích cực trong 5 năm qua.
Duy nhất lĩnh vực “Thủ tục hành chính công” gần như không thay đổi và giảm nhẹ trong năm 2019. Kết quả ở chỉ số này đáng ngạc nhiên bởi đơn giản hóa thủ tục hành chính trong Chương trình tổng thể Cải cách hành chính nhà nước (PAR) là điểm nhấn trong nhiều nỗ lực cải cách ở Việt Nam từ năm 1995 tới nay.
Mức biến chuyển rõ rệt nhất quan sát được ở chỉ số nội dung “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” và “Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định”. Đây là sự ghi nhận kết quả của nhiều nỗ lực đổi mới đã được nhiều báo cáo đề cập, trong đó có nỗ lực giải quyết các vụ việc tham nhũng lớn và việc ban hành và thực hiện Luật Tiếp cận thông tin 2016 và Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Ở cấp tỉnh, 62 trong số 63 tỉnh/thành phố đều đạt kết quả chỉ số PAPI gốc (tổng hợp từ 6 chỉ số nội dung ban đầu) tăng dần qua các năm. Trong số đó, Cao Bằng ở vùng Đông Bắc và Trà Vinh ở phía Nam khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có mức cải thiện kết quả chỉ số trung bình hàng năm cao nhất.
Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công là lĩnh vực cải thiện mạnh mẽ nhất. Ở cấp quốc gia và cấp xã, tỷ lệ người dân cho rằng tham nhũng có xu hướng giảm cao hơn so với tỷ lệ năm 2018 khoảng 5%. Kết quả phân tích dữ liệu PAPI giải thích một số yếu tố dẫn tới xu thế cải thiện ở chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Cảm nhận tích cực của người trả lời nhờ nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ ở Việt Nam là một yếu tố then chốt.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát tiếp tục cho thấy tham nhũng vặt đã giảm dựa trên cảm nhận hoặc trải nghiệm của người dân khi sử dụng một số dịch vụ công. Tình trạng đưa và nhận hối lộ ở bệnh viện công tuyến huyện đã giảm xuống gần với mức 0%. Tuy nhiên, mặc dù có một số cải thiện, khoảng 20 - 40% người dân tiếp tục cho rằng tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của khu vực công. Trải nghiệm của người dân với việc phải đưa “lót tay” khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2019 hầu như không khác so với một vài năm trước. Do đó, cảm nhận và trải nghiệm tích cực hơn của người dân về tham nhũng trong những năm gần đây không có nghĩa là tham nhũng đã được giải quyết triệt để ở tất cả lĩnh vực PAPI đo lường. Người dân vẫn cho rằng tham nhũng là 1 trong 3 vấn đề đáng quan ngại trong khu vực công.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019 đạt mức 7%, mức cao nhất liên tục trong thập niên qua, vẫn có tới gần 25% người dân trả lời khảo sát PAPI tiếp tục cho rằng đói nghèo là mối quan ngại lớn nhất trong năm 2019.
Thêm vào đó, vấn đề tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm môi trường quay trở lại nhóm ba mối quan ngại hàng đầu của người trả lời khảo sát PAPI trong năm 2019, tương tự kết quả khảo sát năm 2016 sau thảm họa ô nhiễm môi trường biển và cá chết hàng loạt. Người dân cũng nhấn mạnh mong muốn đất nước phát triển bền vững, rất phù hợp với bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030.