Người lao động dầu khí trên biển Đông |
An ninh năng lượng
Một trong những thành tựu lớn nhất mà Petrovietnam đạt được trong nhiều năm qua là không ngừng tích cực tìm kiếm, thăm dò, khai thác và gia tăng trữ lượng dầu khí nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung cấp năng lượng sơ cấp, đầu vào cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Đến nay, Petrovietnam đã khai thác cả trong và ngoài nước được 441,5 triệu tấn dầu và 174,7 tỷ m3 khí, để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho sản xuất 170 tỷ kWh điện (chiếm khoảng 15% tổng công suất lắp đặt và 30% tổng sản lượng điện cả nước), 55 triệu tấn sản phẩm dầu (chiếm 33% tổng nhu cầu xăng dầu), đáp ứng 70% nhu cầu LPG, 90% condensate.
Tại Lễ khánh thành Dự án Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Sông Hậu 1 vào giữa tháng 7/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Petrovietnam có đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, thông qua các dự án nhiệt điện trọng điểm mà NMNĐ Sông Hậu 1 là minh chứng mới nhất; bảo đảm một trong 5 cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đứng đầu ASEAN về cung cấp nguồn điện, phục vụ đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Trong lĩnh vực sản xuất điện, Petrovietnam đã đưa vào vận hành an toàn, ổn định 2 NMNĐ than với tổng công suất 2.400 MW (Sông Hậu 1 và Vũng Áng 1); 4 NMNĐ khí với tổng công suất 2.700 MW (Cà Mau 1&2, Nhơn Trạch 1&2); 2 nhà máy thủy điện với tổng công suất 305 MW (Hủa Na, Đakđrinh). Tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện của Petrovietnam tới 5.405 MW, chiếm hơn 7% tổng công suất lắp đặt và chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện phát trong toàn hệ thống điện quốc gia. Kết quả đó khẳng định vững chắc vai trò và vị thế của Petrovietnam với tư cách là nhà sản xuất điện lớn thứ hai tại Việt Nam.
An ninh lương thực
Petrovietnam hiện là cổ đông sáng lập và sở hữu hai nhà máy sản xuất phân đạm lớn nhất Việt Nam, gồm Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau. Trong những năm qua, cả hai nhà máy đều vận hành ổn định với tổng công suất vào khoảng 1,6 triệu tấn phân đạm (urê)/năm, đảm bảo cung cấp hơn 70% nhu cầu phân đạm của cả nước. Không dừng lại ở đó, hai nhà máy còn tạo ra những sản phẩm phân bón mới chất lượng cao như NPK, hữu cơ vi sinh, đạm màu…, góp phần cùng bà con nông dân tạo nên những vụ mùa bội thu.
An ninh kinh tế
Trong những năm qua, Petrovietnam luôn tích cực phát huy và thực hiện hiệu quả vai trò là đầu tàu kinh tế của đất nước, là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Tập đoàn luôn chủ động tổ chức thực hiện kịp thời các chủ trương của Đảng và Chính phủ đối phó với những biến động phức tạp của nền kinh tế. Các sản phẩm chiến lược của Tập đoàn như dầu thô, xăng dầu, đạm, điện, khí, LPG... đã và đang góp phần tích cực, chủ động bình ổn thị trường, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế đất nước.
Trong những giai đoạn khó khăn nhất, Petrovietnam luôn vững vàng vượt qua thử thách, đóng góp quan trọng cho nền kinh tế. Năm 2021, cuộc khủng hoảng giá dầu cộng với đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới thua lỗ nặng nề, thậm chí phá sản. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam vẫn tiếp tục hoàn thành toàn diện các mặt hoạt động sản xuất kinh doanh, nộp ngân sách nhà nước 112,5 nghìn tỷ đồng, vượt 80% kế hoạch năm, tăng 36% so với năm 2020, dẫn đầu 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
An ninh quốc phòng
Không chỉ đóng góp về kinh tế, sự xuất hiện, hoạt động của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân và mỗi giàn khoan của ngành dầu khí trên biển chính là sự khẳng định chủ quyền của đất nước, thực hiện chiến lược kinh tế biển của Việt Nam. Nơi những dự án dầu khí đang triển khai, những giàn khai thác, giàn khoan, tàu thăm dò địa chấn, tàu trực mỏ đều là những “vọng gác tiền tiêu”, là cột mốc chủ quyền trên biển Đông, cũng là điểm tựa cho ngư dân bám biển…
Những năm qua, bên cạnh việc chủ động đầu tư vào công tác khảo sát, điều tra cơ bản, đánh giá tổng thể tiềm năng dầu khí, Petrovietnam còn chú trọng tính toán các cơ hội đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ, nhạy cảm, làm căn cứ pháp lý về chủ quyền biển đảo.