Nghiên cứu phát triển nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN) |
Đây là thông điệp được Giáo sư, Tiến sỹ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tếTrung ương chia sẻ nhân dịp gặp mặt báo chí đầu Xuân.
“Không phân biệt Nhà nước hay tư nhân”
Năm Bính Thân có thể nói là một năm đặc biệt, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm (2016-2020), năm của tiến trình hội nhập sâu rộng đồng thời cũng là năm ẩn chứa thách thức khó lường với bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy trắc trở và biến động.
Song, ông Vương Đình Huệ cũng thẳng thắn chia sẻ, năm 2016 được đánh giá kinh tế thế giới tiếp tục phục hồi, dù là chậm song vẫn tốt hơn, bởi hầu như đã thoát khỏi những tác động tiêu cực của “khủng hoảng 2008” đồng thời đà tăng trưởng trong ngắn hạn đang quay trở lại.
“Điều này sẽ tác động tích cực đến kinh tế vĩ mô của Việt Nam, đặc biệt là về thương mại và đầu tư. Với điều kiện như hiện nay không có lý do gì, Việt Nam không đạt được mục tiêu cao hơn năm 2015, mặc dù thực hiện được việc này không phải là dễ dàng,” ông Huệ nhấn mạnh.
Theo ông Huệ, Việt Nam phải có chính sách làm cho các doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Để làm được điều này, ông Huệ cho rằng, trước hết phải tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, hiệu quả và chất lượng là tiêu chí để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp.
“Triết lý văn hóa của doanh nghiệp dân tộc là không phân biệt doanh nghiệp lớn hay nhỏ, doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân,” ông Huệ nói.
Hiện nay, Việt Nam mới có hơn 500.000 doanh nghiệp đăng ký và kỳ vọng đặt ra tại cuối nhiệm kỳ (năm 2020) con số này sẽ nâng lên là hai triệu doanh nghiệp.
“Tinh thần khởi nghiệp quốc gia phải được thổi vào các doanh nghiệp Việt, với một trách nhiệm, niềm tự hào và sự tin tưởng. Phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này theo đúng nguyên tắc của thị trường và thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử,” ông Huệ nói.
Sản phẩm dự Festival “Sáng tạo trẻ” toàn quốc lần thứ 7. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)
“Nước mắt nhiều hơn nụ cười”
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ, năm 2015, Trung tâm đã triển khai hoạt động thí điểm Vườn ươm doanh nghiệp đã đạt được một thành công bước đầu, như Chương trình 100 hạt giống doanh nghiệp tại Đà Nẵng hay Chương trình khởi nghiệp quốc gia “Ngày sáng tạo-2015.”
Từ thực tiễn, bà Lý khuyến cáo, thương trường “nước mắt nhiều hơn nụ cười.” Hoạt động khởi sự doanh nghiệp thường mang tính tự phát, thiếu những nghiên cứu, triển khai bài bản, đúng hướng… dẫn tới những thất bại đáng tiếc. Điều này không chỉ gây tổn thất cho các cá nhân mà còn lãng lãng phí các nguồn lực xã hội.
Cụ thể, số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2013 (71.018 doanh nghiệp), năm 2014 (74.842 doanh nghiệp) và năm 2015 (95.000 doanh nghiệp) nhưng bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể mỗi năm tương ứng là 60.737 doanh nghiệp, 67.823 doanh nghiệp và 81.000 doanh nghiệp.
Bà Lý dẫn chứng, một doanh nghiệp đi vào hoạt động, ngoài phí thành lập, còn các phí khác như văn phòng, in ấn, nhân sự… Tính trung bình, nếu sau một năm hoạt động không hiệu quả và ngừng hoạt động, doanh nghiệp tốn khoản chi phí khoảng 100 triệu đồng cho các loại chi phí này. Với số lượng doanh nghiệp đóng cửa mỗi năm như trên thì con số phí tổn của nền kinh tế là không nhỏ.
Theo bà Lý, “muốn khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần có đủ kỹ năng, đam mê, sáng tạo, nỗ lực, chọn lựa đúng sở trường, thế mạnh của mình để phát triển và tự tin vào chính mình.”
Sản phẩm năng lượng điện gió của Đại học Công nghệ Hà Nội tại Hội chợ triển lãm quốc tế Năng lượng hiệu quả - Môi trường Hà Nội 2015. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)
Học “chutzpah” huyền thoại?
Mặc dù chính sách Chính phủ và hậu thuẫn chính trị đã có, song để giữ được tinh thần khởi nghiệp trong suốt quá trình kinh doanh, yếu tố cốt lõi vẫn nằm ở bản lĩnh của mỗi doanh nhân khởi nghiệp.
Trong cuốn “Quốc gia khởi nghiệp” của Dan Senor và Saul Singer-Scott Thompson, cựu Giám đốc công nghệ của PayPal cho biết sự trải nghiệm liều thuốc đầu tiên của người Israel là tinh thần “chutzpah” (mặc dù không ngôn từ nào có thể miêu tả chính xác song có thể hiểu đó là sự táo bạo, gai góc, trắng trợn, thần kinh, vô liêm sỉ). Tinh thần “chutzpah” là một trong những nhân tố đưa Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp đầy “huyền thoại.”
Câu chuyện khởi nghiệp của các doanh nhân Việt chắc chắn cũng không có gì khác. Bất kỳ ai khi dấn thân “cuộc chơi” này và cho dù ở vị thế nào, động cơ nào thì bên cạnh nhiệt huyết, niềm đam mê, vất vả, nhọc nhằn... còn có cả những mất mát, nỗi cô đơn, sự trả giá,… tất cả luôn song hành, thách thức tính bền bỉ của họ, trong một “thương trường-chiến trường.”
Đào Chi Anh, chủ The Kafe, khởi nghiệp bằng một cửa hàng ẩm thực nhỏ mang phong cách Á-Âu. Sau bốn năm, thương hiệu The Kafe đã làm nên một cái “bắt tay” trị giá 5,5 triệu USD cùng “gã khổng lồ” Cassia Investments-Hong Kong.
Tuy nhiên, Chi Anh từng thốt lên, “Tôi đã khóc, khóc rất nhiều, nhất là đoạn gần tới đích. Không hiểu sao, cái thời điểm đó bao giờ cũng là đen tối nhất, mình không thể nhìn thấy là sắp đến nơi rồi, mà cảm giác như sắp rơi xuống vực.”
Nổi danh trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Duy Hưng “thuyền trưởng” dẫn dắt Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vượt qua những thăng, trầm cùng thị trường, nâng mức vốn chủ sở hữu của Công ty tăng ngoạn mục từ 6 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng sau 15 năm.
Ngành tài chính được xem như thế giới của “cá mập”, song điều làm nên bí quyết kinh doanh của “ông trùm” này lại là một câu nói thuộc về nhà Phật “bồ tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.”
Ông Hưng chân thành chia sẻ, giai đoạn thị trường tăng trưởng nóng, không phải không có cám dỗ nhưng rõ ràng khi đó ai cũng nhìn nhận ra những điều không an toàn. Trên thực tế, khi đó nhà đầu tư đã thu về nhiều lợi nhuận trong ngắn hạn, nhưng cuối cùng, sự “cám dỗ” đó không chỉ “đốn sạch” mọi thành quả đạt được mà nó còn “đánh gục” cả thị trường trong một thời gian dài./.