Phân bổ ngân sách 2019: Ưu tiên thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản

(BĐT) - Chiều 14/11, Quốc hội thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 với 438/449 đại biểu tán thành. Theo đó, tổng thu NSTW là 810.099 tỷ dồng, tổng số thu NSĐP là 601.201 tỷ đồng. Tổng số chi NSTW là 1.019.599 tỷ đồng, trong đó dự toán 321.354 tỷ đồng để bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
Phân bổ ngân sách 2019: Ưu tiên thanh toán dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản

Trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, thực hiện quy định của Luật NSNN năm 2015, năm 2019 là năm thứ ba trong thời kỳ ổn định ngân sách, định mức phân bổ chi ngân sách địa phương được xây dựng theo nghị quyết của UBTVQH và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, định mức phân bổ chi thường xuyên cho các địa phương đã có ưu tiên cho các địa phương vùng núi cao và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra, các địa phương có diện tích trồng lúa lớn cũng được phân bổ thêm kinh phí đối với diện tích trồng lúa lớn và kinh phí bảo vệ, phát triển đất trồng lúa.

Năm 2019, Chính phủ trình Quốc hội tăng thêm 2% số bổ sung cân đối so với năm 2017 cho các địa phương. Đồng thời, NSTW đã ưu tiên đầu tư cầu, đường giao thông, kênh, cảng, cũng như phân cấp cho địa phương nguồn thu tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết để dành cho chi đầu tư phát triển.

Đối với các dự án, công trình trọng điểm, trong phương án phân bổ NSTW, Chính phủ đã thực hiện theo nguyên tắc bố trí chi đầu tư phát triển trên cơ sở kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được phê duyệt và khả năng cân đối NSTW; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm.

Như vậy, trong phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển từ NSTW, Chính phủ đã chú trọng ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, công trình trọng điểm.

Về các khoản nợ Chính phủ, Chính phủ bảo lãnh, khoản nợ BHXH, các khoản nợ chính sách, trong thời gian qua, mặc dù thu NSTW khó khăn, nhưng Chính phủ đã quán triệt các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước, trình Quốc hội bố trí chi NSNN hàng năm ưu tiên chi trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn.

Báo cáo dự toán NSNN năm 2019 trình Quốc hội đã báo cáo phương án chi trả khoản nợ 22.000 tỷ đồng của BHXH, từ năm 2018, bố trí trả nợ dần, cả gốc và lãi. Đối với các khoản trả gốc, Chính phủ cũng đã báo cáo Quốc hội việc chi trả đầy đủ, đúng hạn.

Về nợ đọng XDCB, thực hiện quy định của Luật Đầu tư công và Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo đó bố trí vốn để thanh toán nợ đọng XDCB là ưu tiên hàng đầu.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã bố trí 9.069,305 tỷ đồng để thanh toán số nợ đọng XDCB nguồn NSTW. Tuy nhiên, đúng như các ĐBQH đã nêu, nợ XDCB chưa xử lý được dứt điểm, đến hết năm 2018 số nợ đọng XDCB còn lại khoảng 2.800 tỷ đồng.

Vì vậy, UBTVQH tiếp thu, quy định về nội dung giao Chính phủ: “Chỉ đạo và hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phân bổ vốn đầu tư phát triển ưu tiên thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn NSTW; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản” tại khoản 9 Điều 3 của Dự thảo Nghị quyết.

Tin cùng chuyên mục