Phân cấp mạnh cần gắn với nâng cao năng lực cho chủ đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Pháp luật về đấu thầu ngày càng phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư và tinh thần của sửa đổi Luật Đấu thầu trong Luật sửa 7 luật thuộc lĩnh vực tài chính trình Quốc hội lần này, theo quan sát của tôi, là tiếp tục phân cấp nhiều hơn nữa cho chủ đầu tư.

Ông Nguyễn Đồng Đạm, Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Trí Lực Việt

Tuy nhiên, có thực tiễn là một số chủ đầu tư không chuyên, năng lực còn hạn chế, chưa dám làm, dám quyết, lúng túng trong triển khai các công việc được giao. Do đó, đi đôi với phân cấp, cần có yêu cầu chặt chẽ về chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đấu thầu của chủ đầu tư để bảo đảm thực hiện trôi chảy công việc thuộc trách nhiệm được giao.

Bên cạnh đó, qua thực tiễn đấu thầu, chúng tôi thấy cần bổ sung, làm rõ hơn một số khái niệm tại Luật Đấu thầu. Cụ thể, về khái niệm “hàng hóa”, theo quy định tại Nghị định số 82/2024/NĐ-CP, phần mềm nội bộ là phần mềm được thiết kế, xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng theo các yêu cầu riêng của tổ chức, người sử dụng, cần phải thuê các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, phương pháp luận để thực hiện theo yêu cầu riêng của đơn vị. Tuy nhiên, khái niệm “hàng hóa” chưa bao gồm phần mềm nội bộ, nhiều đơn vị còn lúng túng khi xác định gói thầu xây dựng, duy trì, nâng cấp phần mềm nội bộ là gói thầu dịch vụ phi tư vấn hay gói thầu mua sắm hàng hóa.

Về khái niệm “dự án đầu tư”, việc xác định các hoạt động nào phải hình thành dự án đầu tư cần được thực hiện theo pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực, do đó, việc liệt kê cụ thể như tại khoản 6 Điều 4 Luật Đấu thầu có thể dẫn đến tình trạng chưa bao quát đầy đủ các loại dự án đầu tư phát sinh trong thực tiễn, gây lúng túng trong việc xác định phạm vi áp dụng đấu thầu.

Tin cùng chuyên mục