Ảnh minh họa: Internet |
Doanh nghiệp nghiêm túc khó cạnh tranh
Mới đây, tại buổi làm việc với Thủ tướng để đóng góp ý kiến về Chiến lược 10 năm, chuẩn bị nội dung cho Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các chuyên gia, các nhà khoa học nêu lại nội dung về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển kinh tế đất nước.
Theo đó, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Nội dung này cũng đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và nhấn mạnh kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng trong sự phát triển của đất nước.
Theo Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đây rõ ràng là bước tiến trong nhận thức và phù hợp với đòi hỏi thực tiễn khi khu vực doanh nghiệp nhà nước đang dần co hẹp lại, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang lớn mạnh, đồng thời, nền kinh tế phải đối diện cạnh tranh ngày càng gay gắt khi hội nhập toàn diện đang đến. Song, biến kỳ vọng về động lực nêu trên trở thành hiện thực là thách thức không nhỏ.
CIEM cho rằng, doanh nghiệp tư nhân đang chịu nhiều khó khăn, đáng chú ý là tình trạng phân biệt đối xử, nạn tham nhũng, các rào cản thủ tục hành chính, và đặc biệt là phong trào “doanh nghiệp sân sau” đang bủa vây những doanh nghiệp tư nhân làm ăn nghiêm túc.
Cùng quan điểm, TS.Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhận xét, đúng là môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện, song trật tự thị trường vẫn còn rất lỏng lẻo. Điều này tạo sự bất công bằng giữa các doanh nghiệp tư nhân, hay nói cách khác, doanh nghiệp càng làm việc nghiêm túc thì chi phí tuân thủ càng cao. Kết quả là, các doanh nghiệp thực sự nghiêm túc chưa chắc đã tồn tại.
Cần chú trọng kỷ luật thị trường
Đồng tình với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân, TS. Huỳnh Thế Du, Giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam (FUV) phân tích: “Lịch sử phát triển kinh tế của các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rõ điều này. Các quốc gia phát triển và thịnh vượng là những quốc gia có kinh tế tư nhân làm trụ cột và ngược lại”.
Tuy nhiên, theo ông Du, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa được ở vị trí xứng đáng với vai trò này. Trong thời gian dài, khối doanh nghiệp này luôn đứng cuối trong bảng ưu tiên về các khả năng tiếp cận nguồn lực, xếp sau doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Do đó, để doanh nghiệp tư nhân phát huy đúng tiềm năng từ vai trò động lực của nền kinh tế, thứ tự ưu tiên này cần được sắp xếp lại, hoặc tạo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Bên cạnh vai trò tích cực với sự phát triển của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân cũng đã có những trục trặc không nhỏ trong suốt thời kỳ phát triển.
Điểm đáng ngại trong khối doanh nghiệp này, theo ông Huỳnh Thế Du, là sự lớn lên một cách bất thường, thậm chí tốc độ lớn nhanh hơn cả các tập đoàn lớn của Hàn Quốc, trong khi khả năng quản trị vẫn còn hạn chế. Một khi các “ông lớn” này gặp vấn đề thì cả nền kinh tế cũng có thể chịu tác động rất lớn.
“Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế đều bắt nguồn từ khu vực tư nhân, xuất phát từ những lợi ích ngắn hạn của các cá nhân”, ông Du nói và lưu ý: “Thứ tự ưu tiên trước đây là không hợp lý, còn hiện nay, thứ tự ưu tiên dường như xếp doanh nghiệp thân hữu ở vị trí đầu tiên lại càng đáng ngại”.
Do đó, để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, đồng thời hạn chế tổn thương từ những trục trặc của khu vực kinh tế này, vị giảng viên của FUV cho rằng, điều quan trọng nhất mà Chính phủ cần làm là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đồng thời lưu ý hoạt động của những tập đoàn lớn để tránh các cú sốc có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, TS. Trần Toàn Thắng nhấn mạnh, cần tạo sự công bằng và minh bạch hơn nữa để tất cả những doanh nghiệp có cùng mức hiệu quả được ngang bằng về cơ hội tiếp cận các nguồn lực và ưu đãi. Bên cạnh đó, việc xây dựng kỷ luật thị trường và thực thi nghiêm túc là hết sức cần thiết để sớm ngăn chặn và kiểm soát từ đầu những trục trặc có thể xảy ra.