Ông Ngô Điền Long - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Bình Phước
Điểm b Khoản 1 Điều 3 Thông tư 45 quy định mức tối đa thù lao dịch vụ ĐGTS của một hợp đồng dịch vụ ĐGTS là không quá 300 triệu đồng. Như vậy, với hợp đồng có giá khởi điểm khoảng 3.000 tỷ đồng, sau khi bán thành công, giá trúng đấu giá chênh lệch so với giá khởi điểm khoảng 2.000 tỷ đồng thì thù lao dịch vụ đấu giá chỉ là 300 triệu đồng. Trong khi đó, nếu hợp đồng có giá khởi điểm 200 tỷ đồng, giá trúng đấu giá vượt giá khởi điểm khoảng 100 tỷ đồng thì mức thù lao cũng vẫn là 300 triệu đồng, như vậy là quá bất hợp lý. Do vậy, đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định theo hướng không quy định mức tối đa thù lao dịch vụ đấu giá của một hợp đồng ĐGTS.
Bản chất của chi phí dịch vụ là tiền công dịch vụ mà người có tài sản đấu giá phải trả cho tổ chức ĐGTS, còn các chi phí thực tế khác mà tổ chức ĐGTS đã bỏ ra để thực hiện việc bán đấu giá thì người có tài sản phải trả lại cho tổ chức đấu giá là hợp lý. Tuy nhiên, Khoản 2 Điều 3 Thông tư 45 quy định: “Thù lao dịch vụ ĐGTS quy định tại Khoản 1 Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng bao gồm các chi phí hợp lý, hợp lệ mà người có tài sản đấu giá trả cho tổ chức đấu giá để thực hiện ĐGTS theo quy định”. (Khoản 1 Điều 2 quy định khung thù lao dịch vụ ĐGTS cho một hợp đồng dịch vụ ĐGTS trong trường hợp đấu giá thành). Quy định như vậy là không hợp lý. Đề nghị Bộ Tài chính sửa đổi quy định này là “thù lao dịch vụ ĐGTS quy định tại Khoản 1 của Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và chưa bao gồm các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ đã được hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá”.
Ông Dương Văn Tám - Giám đốcTrung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Lâm Đồng
Theo quy định của Thông tư 48 thì người sử dụng, quản lý tiền bán hồ sơ cho khách hàng tham gia đấu giá thuộc về bên có tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế toàn bộ phần chi phí in ấn, phát hành các tài liệu hồ sơ đấu giá từ phiếu đăng ký tham gia, đến các văn bản, thủ tục khác theo quy trình đều do tổ chức đấu giá chi trả. Có những tài sản rất nhiều khách hàng đăng ký tham gia, xem tài sản nên tổ chức đấu giá phải sắp xếp, bố trí nhiều nhân lực và chuẩn bị in ấn nhiều hồ sơ để bán.
Có thể khẳng định, đối với tổ chức ĐGTS, cơ cấu giá dịch vụ chưa bù đắp đủ chi phí, tiền thù lao dịch vụ không đủ để chi trả cho các chi phí liên quan đến việc chuẩn bị và tổ chức bán hồ sơ tham gia đấu giá. Trong khi đó người có tài sản lại quản lý và sử dụng nguồn tiền bán hồ sơ.
Xuất phát từ thực tế hoạt động với những yếu tố chưa hợp lý vừa nói trên, Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Lâm Đồng đề nghị, ghi vào thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tiền bán hồ sơ sẽ giữ lại cho tổ chức đấu giá để trang trải các chi phí hợp lý (đã nêu trên).
Ông Tạ Quang Đãng - Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh Sao Khuê (Hải Dương)
Theo quy định tại Luật ĐGTS và Thông tư 45, người có tài sản được quyền lựa chọn tổ chức bán ĐGTS, được thỏa thuận thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS trong cả trường hợp đấu giá thành và đấu giá không thành. Như vậy, pháp luật đang trao quyền quá lớn cho người có tài sản và đây là lỗ hổng cơ bản gây ra nhiều hệ lụy, làm thất thoát tài sản của Nhà nước (doanh nghiệp đấu giá thân hữu, sân sau, thông đồng giữa người có tài sản và doanh nghiệp đấu giá…). Hiện có quá ít quy định tại Luật cũng như nghị định, thông tư nhằm chế tài và giám sát việc trao quyền cho chủ tài sản.
Trên thực tế, khi người có tài sản được quyền thỏa thuận chi phí dịch vụ ĐGTS với tổ chức đấu giá, mục tiêu tiết kiệm cho ngân sách nhà nước sẽ là điều khó xảy ra. Do đó, nên bỏ quy định chủ tài sản được thỏa thuận thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS.
Ngoài ra, quy định tại Thông tư 45 cho phép doanh nghiệp đấu giá được hưởng 1% phần chênh lệch vượt giá trị quyền sử dụng đất theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm là quá thấp, không khuyến khích được tổ chức ĐGTS bán vượt, tích cực trong thực hiện đấu giá. Tôi kiến nghị mức thưởng này từ 3 - 5% phần chênh lệch vượt so với giá khởi điểm.
Ông Nguyễn Chí Hiếu - Giám đốc Công ty Đấu giá hợp danh tài sản Lam Sơn
Những tài sản có giá khởi điểm trên 50 tỷ đồng mà chỉ áp dụng 1 khung thù lao dịch vụ đấu giá thì không phù hợp với thực tiễn. Phụ lục 1 kèm theo Thông tư 45 cần được xem xét sửa đổi theo hướng phù hợp hơn giữa các mức giá khởi điểm thì mức thù lao dịch vụ đấu giá nhận được cũng tương ứng các mức đó và không dừng lại ở mức trên 50 tỷ đồng.
Ngoài ra, tôi đề nghị sửa đổi Khoản 2 Điều 3 của Thông tư 45 theo hướng: “Thù lao dịch vụ ĐGTS quy định tại Khoản 1 Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng và không bao gồm các chi phí hợp lý, hợp lệ mà người có tài sản đấu giá trả cho tổ chức đấu giá để thực hiện ĐGTS theo quy định”.
Bên cạnh đó, theo quy định Thông tư 48 thì tiền bán hồ sơ của tất cả các loại tài sản đều bị trừ vào tiền thù lao dịch vụ đấu giá. Như vậy là không phù hợp và đang mâu thuẫn với quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư 335/2016-TT-BTC.