Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, người lao động ngành dầu khí nói chung, PVN nói riêng trong việc đoàn kết, nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.
“Đây là những kết quả ấn tượng trong bối cảnh rất khó khăn của cả nước và của riêng Tập đoàn trong năm 2017. Những kết quả mà PVN đã đạt được trong năm 2017 là tín hiệu cho giai đoạn phát triển mới của Tập đoàn”, Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh việc biểu dương những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thẳng thắn phân tích nhiều mặt còn hạn chế, yếu kém; chia sẻ với những khó khăn đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc thực hiện các kế hoạch phát triển của Tập đoàn.
Nhiệm vụ nặng nề và cơ hội phát triển bền vững
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa quyết định đối với việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thời kỳ 2016-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đề ra.
Do đó, ngành dầu khí đang đứng trước yêu cầu hết sức nặng nề, đó là vừa nhanh chóng khắc phục hiệu quả những hạn chế, sai phạm thời gian trước, đồng thời đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển những lĩnh vực cốt lõi, xứng đáng vị thế của một trong những Tập đoàn trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội.
“Những khó khăn trong năm 2017 có thể đã là 'đáy' của một chu trình phát triển. Trong khó khăn là cơ hội để ngẫm nghĩ, để nhìn lại đúng về mình, là cơ hội để hoàn thiện Tập đoàn. Không ai là không gặp khó khăn. Nhưng chính trong khó khăn phải luôn bản lĩnh để kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện, từ đó tiếp tục đi lên”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu PVN phải tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/07/2015 của Bộ Chính trị và các quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 là “Phát triển ngành dầu khí thành ngành kinh tế-kỹ thuật quan trọng, then chốt, hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành dầu khí; xây dựng PVN và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế”.
Ảnh: VGP
“Trong năm 2018, tôi đề nghị Tập đoàn triển khai có hiệu quả 8 nhóm giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 12/7/2017 về kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2020”, Phó Thủ tướng lưu ý thêm.
Sớm ổn định tổ chức, ưu tiên tái cơ cấu toàn diện
Về các nhiệm vụ trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu tập thể lãnh đạo Tập đoàn, các đơn vị thành viên cần nhanh chóng ổn định tổ chức, tư tưởng của người lao động trong toàn Tập đoàn, từ đó tạo sự đoàn kết, quyết tâm trong mọi cán bộ, người lao động để hoàn thành thắng lợi mọi chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
“Hơn lúc nào hết, Tập đoàn cần hết sức lưu ý quan tâm bảo đảm đời sống, quyền, lợi ích của người lao động”, Phó Thủ tướng đề nghị.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu phải tập trung toàn lực cho việc tái cơ cấu toàn diện bộ máy quản lý từ công ty mẹ đến các đơn vị thành viên theo hướng tinh gọn, hiệu quả, phát huy truyền thống ngành dầu khí, đặc biệt là tinh thần đoàn kết nhất trí, dám nghĩ dám làm; tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, lãnh đạo điều hành doanh nghiệp.
“Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. PVN phải tiến hành tái cơ cấu Tập đoàn và các đơn vị thành viên, trong đó lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ phù hợp; từ đó tiến hành tái cơ cấu đầu tư, quản trị doanh nghiệp, nhân sự; tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên theo kế hoạch”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng trò chuyện với lãnh đạo PVN. Ảnh: VGP
Đồng thời, xây dựng các giải pháp để thu hút vốn đầu tư để phát triển ngành dầu khí như FDI, DDI, vốn của các thành phần kinh tế đầu tư vào các dự án của Tập đoàn.
Về sản xuất, PVN phải có giải pháp đẩy mạnh việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu, khí; đẩy mạnh các dự án khai thác khí quan trọng (Khí Lô B, Cá Voi Xanh); đẩy nhanh tiến độ các dự án còn chậm so với yêu cầu (dự án nâng cấp mở rộng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, dự án đường ống dẫn khí Lô B-Ô Môn, các dự án nhiệt điện: Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu 1...); chuẩn bị các dự án nhiệt điện; kho chứa khí hóa lỏng cùng với các đối tác xử lý vướng mắc của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn...
Phó Thủ tướng yêu cầu PVN tiếp tục đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, có giải pháp khả thi để sớm ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển ngành dầu khí, phục vụ phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên, môi trường và nâng cao khả năng cạnh tranh của PVN.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý PVN và các doanh nghiệp trong toàn ngành cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của người lao động, chăm lo, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội người dân vùng khó khăn, vùng dự án…
“Với khí thế mới, tôi tin rằng Tập đoàn sẽ phát huy truyền thống vẻ vang của những người dầu khí tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ năm 2018 và những năm tiếp theo ở mức cao nhất, tiếp tục có nhiều đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng chia sẻ.