Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cùng các thành viên chủ trì Hội nghị |
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông đã công bố Quyết định số 824/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng), do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Chủ tịch.
Theo Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đây là lần đầu tiên Chính phủ thành lập một hội đồng vùng và quy định rõ chức năng, cơ chế hoạt động của vùng. Vì vậy, Phó Thủ tướng gợi mở, các địa phương đẩy mạnh liên kết nội vùng, giữa vùng với các vùng khác trong nước, coi liên kết phát triển vùng là xu thế tất yếu, là động lực kết nối và dẫn dắt sự phát triển các địa phương trong vùng.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát biểu tại Hội nghị |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã trình bày kế hoạch công tác 6 tháng cuối năm với một số nhiệm vụ chính: điều phối các hoạt động trong công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong Vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Hội đồng điều phối Vùng là tổ chức liên ngành có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng liên ngành và liên vùng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Vùng nhanh và bền vững.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển, chiếm 60% bờ biển cả nước, có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước; là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối hành lang kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.
Phát huy lợi thế này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thông tin thêm, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đồng điều phối Vùng cần tập trung nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ là: hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Đông - Tây, các vành đai kinh tế ven biển. Vùng cần tập trung phát triển các ngành kinh tế biển để trở thành vùng mạnh về biển, giàu từ biển. Muốn vậy, các địa phương cần thúc đẩy thực chất liên kết vùng, tiểu vùng, bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị, các địa phương trong vùng cần thảo luận, góp ý để liên kết, phát huy được lợi thế các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển nước sâu |
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Hội đồng điều phối Vùng cần tăng cường tương tác, kết nối với nhau để tính toán, lựa chọn đâu là cơ chế thực chất và cần thiết nhất cho liên kết vùng. Nếu chúng ta đề xuất những vấn đề trọng tâm mà được đa số các tỉnh, thành phố trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ ủng hộ thì đó sẽ là những dự án trọng điểm, những vấn đề mà Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng phải tiếp thu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm. Phải đặt ra mục tiêu ít nhất đến cuối nhiệm kỳ này chúng ta phải nhìn thấy kết quả trong thực tiễn, người dân sẽ được thụ hưởng khi các cơ chế, chính sách do Hội đồng vùng đề xuất đi vào thực tiễn”.
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ bao gồm 14 tỉnh, thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận), có diện tích tự nhiên 95,86 nghìn km2 (chiếm 28,9% diện tích cả nước). Đây là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.
Hệ thống giao thông trên địa bàn khá thuận lợi với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không); có nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không (5 cảng quốc tế), tạo điều kiện thuận lợi phát triển các loại dịch vụ, là điểm trung chuyển hàng hóa cho Tây Nguyên, Lào, Campuchia…
Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời)…; lợi thế phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, văn hoá…