Ảnh Internet |
PVOIL có mạng lưới rộng lớn, thương hiệu và vị thế cao trong lĩnh vực phân phối xăng dầu, bức tranh tài chính của doanh nghiệp này là một trong những vấn đề nhà đầu tư quan tâm. Báo cáo tài chính mới nhất cho thấy kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của PVOIL tăng mạnh trước thềm cổ phần hóa.
Kết quả kinh doanh tăng vọt
PVOIL là đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam với vốn điều lệ gần 11.000 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và kinh doanh dầu thô trong và ngoài nước; xuất nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm dầu trong và ngoài nước;…
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của PVOIL cho thấy những tín hiệu tích cực. Cụ thể, doanh thu nửa đầu năm 2017 đạt gần 28.267 tỷ đồng, tăng 74,23% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận gộp tăng từ 1.141 tỷ đồng lên 1.231 tỷ đồng (tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2016). Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp (tỷ suất lợi nhuận gộp trên doanh thu thuần) chỉ đạt 4,35%, giảm so với con số 7% cùng kỳ năm 2016. Nguyên nhân dẫn đến biên lợi nhuận gộp giảm là do tốc độ tăng của giá vốn hàng bán cao hơn so với tốc độ tăng của doanh thu, tăng 79,3%.
Ngoài việc mở rộng hoạt động bán hàng, hiệu quả quản lý chi phí của PVOIL cũng cải thiện rõ rệt. Trong khi doanh thu tăng tới 74,23% thì chi phí bán hàng 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 6,7%, đạt 685 tỷ đồng. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 3% so với cùng kỳ năm 2016, từ 339 tỷ đồng xuống 329 tỷ đồng.
Đại diện PVOIL cho biết sẽ thực hiện IPO trong quý IV năm nay, đồng thời tăng quy mô chào bán trong phiên đấu giá IPO lên đến 20% tổng số cổ phần lưu hành, tương đương 210 triệu cổ phiếu. Số cổ phần chào bán này tăng gấp đôi so với kế hoạch trước đó với chỉ 10% cổ phần, tương đương 105 triệu cổ phiếu. Tổng công ty cũng dự kiến sẽ bán 44,7% cổ phần cho một số đối tác chiến lược. Số cổ phần dành cho đấu giá lần đầu và bán cho đối tác chiến lược sẽ làm giảm quyền sở hữu vốn của Nhà nuớc tại PVOIL xuống còn 35,1%.
Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) dự báo, cổ phiếu của PVOIL sẽ được niêm yết vào quý I/2018 với mức định giá sơ bộ là 12.000 tỷ đồng, tương đương 520 triệu USD. Còn Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt định giá cổ phiếu PVOIL ở mức 22.250 đồng/cổ phiếu bằng phương pháp so sánh xác định giá trị.
Kết quả kinh doanh khởi sắc của PVOIL trong nửa đầu năm 2017 có sự đóng góp rất lớn từ các khách hàng Singapore và Hong Kong. Cụ thể, Báo cáo hợp nhất bán niên năm 2017 cho biết, các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng phát sinh thêm 1.026 tỷ đồng với khách hàng Hypen Energy Pte Ltd, 626 tỷ đồng với BP Singapore, 642 tỷ đồng với Unipec Asia Company Limited và 640 tỷ đồng với Socar Trading Singapore Pte Ltd.
Mặc dù vậy, tính đến cuối quý II/2017, lỗ lũy kế của PVOIL vẫn còn tới 1.786 tỷ đồng.
Ám ảnh nợ khó đòi
Thuyết minh Báo cáo tài chính của PVOIL cho biết, cuối quý II/2017, giá trị của các khoản nợ khó đòi của doanh nghiệp này lên tới hơn 885 tỷ đồng, trong khi giá trị nợ có thể thu hồi được chỉ là hơn 40 tỷ đồng. Giá trị của các khoản nợ có thể thu hồi được PVOIL tính toán dựa trên giá trị sổ sách trừ giá trị dự phòng phải thu khó đòi đã trích lập đối với những khoản phải thu không có tài sản đảm bảo. Đối với các khoản công nợ phải thu có giá trị tài sản đảm bảo lớn hơn giá trị phải thu, giá trị có thể thu hồi xác định bằng giá gốc của khoản phải thu. Như vậy, nhiều khả năng PVOIL có thể mất trắng hơn 800 tỷ đồng nợ phải thu khó đòi.
Tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 31/6/2017 của PVOIL đạt 4.885 tỷ đồng, giảm 26% so với thời điểm đầu năm. Ngoài ra, PVOIL còn 455 tỷ đồng được gửi ngắn hạn tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank).
Tính đến thời điểm 31/6/2017, tổng tài sản của PVOIL đạt 20.823 tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Trong đó, nợ phải trả là 10.305 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản.