Quy định mới về lương chuyên gia: Kỳ vọng nâng cao chất lượng tư vấn đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 004/2025/TT-BNV quy định mức lương của chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu tư vấn. Nhiều nội dung của Thông tư đã nhận được phản hồi tích cực của các chủ đầu tư (CĐT), đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước với kỳ vọng nâng cao chất lượng công tác lựa chọn tư vấn đấu thầu.
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 004/2025/TT-BNV quy định mức lương của chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu tư vấn. Ảnh minh họa: TL
Bộ Nội vụ vừa ban hành Thông tư 004/2025/TT-BNV quy định mức lương của chuyên gia tư vấn trong nước làm cơ sở cho việc xác định giá gói thầu tư vấn. Ảnh minh họa: TL

Theo chia sẻ của một số đơn vị tư vấn, dù đã có một số điều chỉnh so với trước, nhưng hiện định mức, chi phí cho công tác tư vấn đấu thầu chưa thực sự phù hợp với thực tế. Cụ thể, chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu; chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 1 triệu đồng và tối đa là 50 triệu đồng. Nhiều gói thầu quy mô nhỏ, chi phí cho công tác lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu được chủ đầu tư gói trọn cho đơn vị tư vấn chỉ 2 triệu đồng (ở ngưỡng tối thiểu). Chi phí này là rất thấp so với công sức mà đơn vị tư vấn phải bỏ ra.

Theo đại diện Công ty TNHH Tư vấn xây dựng và Thương mại Xuân Hợp, nhiều gói thầu khi tổ chức đấu thầu vì lý do khách quan phải liên tục gia hạn, mời thầu nhiều lần dẫn tới thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài hơn thực tế nhưng tất cả các tư vấn mời thầu đều không được thanh toán thêm một khoản chi phí nào. Trong khi đó, các tình huống phát sinh trong quá trình mời thầu (trả lời làm rõ, kiến nghị…) đều được CĐT giao cho đơn vị tư vấn đầu mối. Việc xử lý các tình huống này đòi hỏi đội ngũ nhân sự tư vấn vừa dày dặn kinh nghiệm, vừa liên tục cập nhật quy định pháp luật đấu thầu, pháp luật chuyên ngành có liên quan. “Chi phí tư vấn thấp, rất khó khăn cho các đơn vị tư vấn thu hút được đội ngũ nhân sự chất lượng”, đại diện này chia sẻ.

Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng các gói thầu tư vấn để xảy ra sơ sót là nhà thầu tư vấn không được cấp kinh phí phù hợp để điều tra thu thập thông tin và bỏ công sức tương ứng cho công tác lập hồ sơ.

Ông Hứa Phú Doãn, Phó Chủ tịch Hội Thiết bị y tế TP.HCM cho rằng, thực tế các mức chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, chi phí đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu… đã được điều chỉnh, nhưng mặt bằng chi phí cho đội ngũ tư vấn cũng ngày càng tăng. Do đó, cần có cách định mức chi phí phù hợp hơn trong hoạt động tư vấn đấu thầu để giúp nhân sự tư vấn yên tâm công tác, đầu tư chất xám cho các hồ sơ mời thầu, báo cáo đánh giá. Đây là giải pháp căn cơ, dài hạn để giúp đội ngũ tư vấn đấu thầu chuyên môn giỏi, đạo đức nghề nghiệp tốt gắn bó lâu dài với nghề.

Ngày 1/7/2025, Thông tư 004/2025/TT-BNV sẽ chính thức có hiệu lực. Thông tư này quy định mức lương của chuyên gia tư vấn trong nước (chuyên gia tư vấn) làm cơ sở lập, thẩm định, phê duyệt dự toán gói thầu thuộc dự án đầu tư, dự toán mua sắm, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công, mua thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế, mua hàng dự trữ quốc gia, thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia, gói thầu trang bị cơ sở vật chất - kỹ thuật, máy móc, thiết bị hỗ trợ khoa học và công nghệ hoặc các công việc khác phải tổ chức đấu thầu theo quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 của Luật Đấu thầu.

Theo đó, mức lương theo tháng áp dụng đối với chuyên gia tư vấn có thời gian làm việc đủ 26 ngày có thể dao động từ 30.000.000 - 70.000.000 đồng tùy theo kinh nghiệm, bằng cấp của chuyên gia tư vấn. Đây là điểm mới của Thông tư 004 khi hiện nay chưa có văn bản nào quy định khung lương với chuyên gia tư vấn.

Theo Thông tư, đối với dự án, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, sử dụng công nghệ hiện đại đòi hỏi chuyên gia tư vấn có trình độ chuyên môn kỹ thuật đặc biệt, khả năng cung ứng của thị trường lao động còn hạn chế, hoặc điều kiện làm việc khó khăn, ở vùng sâu, vùng xa mà CĐT hoặc bên mời thầu thấy cần thiết phải áp dụng mức lương của chuyên gia tư vấn cao hơn mức lương trên thì CĐT hoặc bên mời thầu xác định, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, quyết định mức lương của chuyên gia tư vấn cao hơn, nhưng tối đa không quá 1,5 lần so với mức lương theo tháng tương ứng với tiêu chuẩn, điều kiện quy định trên.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư xây dựng CICON cho rằng, Thông tư 004 sẽ tạo cơ sở cho các doanh nghiệp tư vấn đấu thầu trên cả nước xây dựng mức lương, chi phí cho chuyên gia tư vấn làm cơ sở xác định giá gói thầu. Điều này vừa giúp doanh nghiệp giữ chân chuyên gia giỏi, vừa giúp các CĐT tăng cường chất lượng công tác đấu thầu, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Tin cùng chuyên mục