Quy mô thoái vốn Nhà nước tại Sabeco tính theo thị giá vào khoảng 113.332 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. |
Kiến nghị giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo
Sáng nay (18/4), Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – mã chứng khoán: SAB) chính thức tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) năm 2017.
Theo báo cáo được trình ĐHĐCĐ thông qua, Ban Kiểm soát Sabeco đã kiến nghị: “Sabeco cần tiếp tục chỉ đạo các công ty con trong ngành giải quyết dứt điểm tình trạng sở hữu chéo (công ty con đầu tư vào công ty mẹ), giúp lành mạnh hóa dòng vốn đầu tư trong hệ thống và phù hợp với yêu cầu của Luật Doanh nghiệp”.
Tổng công ty này cũng được cho là đang đầu tư vốn vào nhiều công ty con, công ty liên kết, liên doanh trong và ngoài hệ thống sản xuất kinh doanh bia. Đội ngũ cán bộ cử quản lý vốn, tham gia HĐQT ở một số nơi còn chưa thực hiện đầy đủ theo Quy chế quản lý người đại diện.
Theo thông tin tại báo cáo tài chính hợp nhất của Sabeco đã được kiểm toán bởi Ernst & Young, tính đến 31/12/2016, tổng công ty này bao gồm công ty mẹ, 23 công ty con, 14 công ty liên kết và 5 công ty liên doanh.
Tổng số tiền mà Sabeco đã đầu tư vào các công ty liên kết, liên doanh đến cuối 2016 lên tới 1.602 tỷ đồng, dự phòng giảm giá đầu tư tài chính dài hạn ở mức 447,5 tỷ đồng.
Đến cuối năm ngoái, phần lợi nhuận lũy kế tổng công ty này thu được từ các công ty liên kết, liên doanh đạt khoảng 786,9 tỷ đồng.
Năm 2016, trong khi tiếp tục góp vốn vào CTCP Bia Sài Gòn – Kiên Giang 3 tỷ đồng thì Sabeco cũng đã thực hiện thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong CTCP Thủy điện Miền Nam theo phương thức giao dịch khớp lệnh qua sàn với giá thực hiện giao dịch từ 19.000-19.750 đồng/cổ phiếu. Cùng với đó, thanh lý toàn bộ cổ phần sở hữu trong CTCP Đầu tư Sabeco Pearl cho CTCP Attland với giá bán 13.347 đồng/cổ phiếu. Tại ngày 31/12/2016, Sabeco đều đã thu được tiền từ 2 thương vụ chuyển nhượng cổ phần nói trên.
“Thúc” Bộ Công Thương thoái vốn
Ngoài ra, tại văn bản trình ĐHĐCĐ, Ban kiểm soát của Sabeco cũng đưa ra kiến nghị cổ đông Bộ Công Thương (đang nắm hơn 547,5 triệu cổ phần, tương ứng 89,59% vốn điều lệ tổng công ty này) sớm thực hiện bán vốn Nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ, để Sabeco trở thành một công ty cổ phần đại chúng thực thụ. Đồng thời nhấn mạnh đề xuất, nên bán đấu giá công khai trên thị trường chứng khoán.
Theo thông tin từ HĐQT Sabeco thì tổng công ty đã hoàn thành công tác đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn để xây dựng phương án thoái vốn Nhà nước tại đây với các tiêu chí về minh bạch, hiệu quả theo đúng chủ trương của Chính phủ và Bộ Công Thương.
Kế hoạch được Bộ Công Thương công bố hồi tháng 8 năm ngoái, tiến trình thoái vốn của Sabeco sẽ được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 bán 53,59% vốn điều lệ, tương đương 24.000 tỷ đồng thực hiện trong năm 2016 và đợt 2 bán 36% vốn điều lệ còn lại, tương đương 16.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Tuy nhiên, do mất thời gian cho việc niêm yết Sabeco nên kế hoạch bán vốn đợt 1 tại Sabeco trong năm 2016 đã không thực hiện được.
Đến ngày 6/12/2016, toàn bộ hơn 641,28 triệu cổ phiếu SAB của Sabeco đã chính thức được niêm yết trên sàn giao dịch TPHCM (HoSE) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 110.000 đồng/cổ phiếu. Sau 4 tháng giao dịch với nhiều biến động, cổ phiếu SAB hiện ở mức 207.000 đồng/cổ phiếu (giá chốt phiên 17/4).
Nếu như tính theo thị giá SAB trên thị trường hiện nay, quy mô thoái vốn Nhà nước sẽ vào khoảng 113.332 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với ước tính ban đầu của Bộ Công Thương.
Trước đó, Wall Street Journal dẫn thông tin từ ông Phan Đăng Tuất, Thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Công Thương cho biết, thương vụ bán cổ phần ở Sabeco sẽ được khởi động vào tháng 4 này. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, chưa có thông gì thêm về thương vụ thoái vốn “tỷ đô” này.
San Miguel - tập đoàn lớn nhất của Philippines mới đây “đánh tiếng” cho biết đang tiến hành “định giá và có thể sẽ đề nghị mua lại” cổ phần Sabeco. Bên cạnh đó, còn có 7 công ty bia nước ngoài khác cũng đang “ngắm” cổ phần của Sabeco là Heineken (Hà Lan), Anheuser-Busch, SABMiller của Mỹ, Asahi và Kirin của Nhật Bản; Singha và Thai Beverage của Thái Lan.