Hoạt động khai thác tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất |
Theo quy hoạch, sẽ nghiên cứu, xây dựng hệ thống radar thời tiết công nghệ Doppler phía đông bắc cảng hàng không, tiếp giáp với khu xử lý nước thải và thu gom chất thải rắn, diện tích khoảng 1.600m2.
Với khu phục vụ mặt đất, hệ thống sân đỗ ô tô sẽ được nghiên cứu bố trí hợp khối tổ hợp sân đỗ ô tô và nhà xe nhiều tầng với nhà ga hành khách T3, quy hoạch các luồng ra, vào phù hợp với diện tích đất mở rộng.
Ngoài ra, quy hoạch cũng bổ sung Đồn công an, bố trí tại khu vực bãi đỗ xe ô tô phía đông nhà ga hành khách T2, diện tích khoảng 300m2; Điều chỉnh công năng nhà xe ngoại trường phục vụ trực tiếp nhà ga T3 thành bãi tập kết trang thiết bị mặt đất; điều chỉnh vị trí từ phía Đông Nhà T3 sang phía Tây Nhà ga hành khách T3.
Bộ GTVT giao Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục rà soát, tính toán, cập nhật vị trí, quy mô, phạm vi, công nghệ,.. các hạng mục của quy hoạch (nếu cần thiết), đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật; đảm bảo sự kết nối, thống nhất với các công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan trong khu vực…
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 19/2. Các nội dung khác giữ nguyên như Quyết định số 1942/QĐ-BGTVT ngày 31/8/2018, số 3193/QĐ-BGTVT ngày 07/9/2015 của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Như vậy, sau lần điều chỉnh này, những hạng mục chính của cảng cơ bản không thay đổi sới Quyết định 1942 của Bộ GTVT.
Theo đó, định hướng đến 2030, nhà ga hành khách T1 và T2 vẫn giữ nguyên và được cải tạo, mở rộng để nâng công suất phục vụ đạt khoảng 30 triệu người/năm, bổ sung nhà ga T3 ở phía nam với công suất đáp ứng 20 triệu khách; Bổ sung 3 đường lăn song song và bổ sung 5 đường lăn thoát nhanh, các đường lăn nối. Sân đỗ máy bay trước ga T3, sân phía Tây Nam sẽ được bổ sung 56 vị trí, nâng tổng vị trí đỗ của sân bay lên 106.
Về lộ trình đầu tư, nhà ga T3, sân đỗ, đường giao thông và các công trình phụ trợ trên khu vực phía nam mà Bộ Quốc phòng giao đất sẽ được ưu tiên triển khai ngay.
Ở khu vực phía bắc, hạng mục được ưu tiên là hồ chứa nước, trạm bơm cưỡng bức nhằm chống ngập úng. Hệ thống trục ra vào sân bay sẽ được đầu tư ngay sau khi điều chỉnh quy hoạch chi tiết được duyệt, phù hợp với quy hoạch giao thông của TP.HCM.
Theo đó, tổng diện tích đất quy hoạch điều chỉnh là 791 ha, gồm 545 ha đất cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu, 19 ha đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ, 18 ha đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng, 35 ha đất quy hoạch bổ sung phía nam và 171 ha đất quy hoạch bổ sung phía bắc.