SCIC dự kiến bán đấu giá 21,79% cổ phần Vinaconex vào ngày 8/12

SCIC sẽ thực hiện thoái 21,79% vốn điều lệ tại Vinaconex, tương đương 96,25 triệu cổ phiếu VCG.
Đại diện SCIC giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinaconex. Ảnh: BNEWS
Đại diện SCIC giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Vinaconex. Ảnh: BNEWS

Ngày 16/11, tại Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phần của SCIC tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG).

Theo đại diện SCIC, dự kiến trong tháng 12 tới, SCIC sẽ thực hiện thoái 21,79% vốn điều lệ tại Vinaconex, tương đương 96,25 triệu cổ phiếu VCG.

Ngày công bố thông tin quy chế, bản công bố thông tin, giá khởi điểm, đăng ký và đặt cọc dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 28/11 đến 7/12. Giá đặt mua không thấp hơn giá khởi điểm và mức giá sàn của cổ phiếu VCG tại ngày chào bán. Số lượng cổ phần đặt mua tối thiểu 5.000. Bước giá 100 đồng, bước khối lượng 10 cổ phần.

Mức giá sàn tại ngày chào bán (dự kiến 8/12) được xác định từ kết quả giao dịch phiên đóng cửa, lúc 14h45 ngày giao dịch trước đó. Trường hợp mức giá sàn cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với mục tiêu của nhà đầu tư, nhà đầu tư có thể lựa chọn hủy đăng ký cho đến 15h30 ngày hết thời hạn đăng ký.

Hiện mã VCG được giao dịch ở mức giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu. VCG cũng được xem là cổ phiếu luôn có tính thanh khoản tốt trên thị trường.

Dự kiến lộ trình thoái 21,79% cổ phần của SCIC tại Vinaconex. Nguồn: SCIC

Việc chào bán sẽ diễn ra khi có trên 2 nhà đầu tư đủ điều kiện tham dự. Đặc biệt, tại lần chào bán này, trong trường hợp có 1 nhà đầu tư đăng ký mua hợp lệ, SCIC sẽ bán thỏa thuận trực tiếp cho nhà đầu tư nếu có văn bản chấp thuận trước 17h ngày dự kiến tổ chức chào bán.

Nhà đầu tư tham dự sẽ đặt cọc 10% giá trị giao dịch theo giá khởi điểm. Các giao dịch dự kiến hoàn tất trước ngày 20/12/2017.

Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC Nguyễn Đức Chi, sau đợt chào bán 21,79% này, SCIC còn nắm giữ 36% cổ phần còn lại tại VCG. Tuy nhiên, theo quyết định 58 của Thủ tướng Chính phủ thì ngành nghề kinh doanh của VCG không thuộc lĩnh vực mà Nhà nước nắm quyền chi phối/nắm giữ lâu dài.

Đồng thời, SCIC cũng có lộ trình thoái vốn toàn bộ vốn tại một số doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có VCG đến năm 2020. Thời gian thóa vốn cụ thể sẽ cân nhắc, tính toán để mang lại lợi ích nhất cho VCG cũng như SCIC.

Ngoài ra, ông Chi cũng lý giải điểm khác biệt so với đợt thoái vốn vừa qua tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM), đó là các nhà đầu tư lần này sẽ phải đặt cọc bằng VND thay vì được phép đặt cọc bằng USD như lần trước.

Theo đó, tại đợt thoái vốn tại VNM, qua quá trình thăm dò và roadshow, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Những nhà đầu tư này lại có thời gian lưu trú dưới 180 ngày. Nên SCIC đã xin phép và phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho những nhà đầu tư này đặt cọc bằng USD khi tham gia mua cổ phần VNM.

Còn về hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá cổ phần VCG lần này, ông Chi nhấn mạnh điểm hạn chế duy nhất chỉ nằm ở việc VCG có ngành nghề kinh doanh là bất động sản và bị giới hạn room nhà đầu tư nước ngoài ở mức 49%.

Theo ông Ngô Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT (FPT Capital), việc cho phép nhà đầu tư thay đổi hoặc hủy đăng ký khi giá thị trường biến động sẽ là một điểm khác biệt lớn thu hút các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài trong đợt thoái vốn này. Bởi theo ông, giá cổ phiếu luôn biến động, khi mức giá sàn cao hơn giá khởi điểm và không phù hợp với mục tiêu của nhà đầu tư nữa, nhà đầu tư có thể rút lại tiền cọc, giúp hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.

Tính đến 30/9/2017, doanh thu Vinaconex đạt gần 6.625 tỷ đồng, tăng 17,92% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành vượt 60,97% kế hoạch năm (4.115,6 tỷ đồng).

Tổng lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 622,89 tỷ đồng, tăng 31,25% so với cùng kỳ và vượt 40,51% chỉ tiêu cả năm (443,3 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 517,96 tỷ đồng.

Tin cùng chuyên mục