Sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản: Lấp những khoảng hở pháp lý

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (ĐGTS) để phù hợp với thực tiễn, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch và thống nhất trong hoạt động đấu giá, tránh tình trạng tiêu cực, gây thất thoát tài sản là một trong những nhóm chính sách đang được Bộ Tư pháp hướng tới trong quá trình xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS.
Quy định hiện hành về các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá chưa loại trừ được hoàn toàn “hiện tượng thông đồng, dìm giá”. Ảnh: NC st
Quy định hiện hành về các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá chưa loại trừ được hoàn toàn “hiện tượng thông đồng, dìm giá”. Ảnh: NC st

Bộ Tư pháp đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS, dự kiến sửa đổi, bổ sung 24 điều trên tổng số 79 điều của Luật ĐGTS hiện hành. Một trong những nhóm chính sách được tập trung giải quyết sẽ liên quan tới các quy định về trình tự, thủ tục ĐGTS. Cụ thể là niêm yết thông báo công khai việc đấu giá, điều kiện đăng ký tham gia đấu giá, việc bán và tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước, thu tiền đặt trước của người tham gia đấu giá, đấu giá theo thủ tục rút gọn.

Theo Bộ Tư pháp, quy định hiện hành về thời gian, địa điểm nhận hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước trong Luật ĐGTS chưa rõ ràng, đồng bộ; thời gian tiếp nhận hồ sơ, nộp tiền đặt trước của người đăng ký tham gia đấu giá chưa đảm bảo cho việc thẩm tra hồ sơ, xác định năng lực, điều kiện của người tham gia đấu giá.

Quy định hiện hành về các đối tượng không được đăng ký tham gia đấu giá chưa loại trừ được hoàn toàn “hiện tượng thông đồng, dìm giá”, “quân xanh, quân đỏ”, nhất là các cá nhân, tổ chức có mối quan hệ lợi ích chi phối lẫn nhau.

Hình thức thông báo công khai việc đấu giá trên báo in, báo hình theo quy định của Luật ĐGTS đã không còn phù hợp với thực tiễn, không đảm bảo tính khả thi, việc tiếp cận thông tin không cao. Có một số tổ chức còn lợi dụng quy định để hạn chế thông tin đấu giá như đăng trên tờ báo ít người đọc, phát sóng vào các khung giờ rất ít người xem (1 - 2 giờ sáng) trên truyền hình…, nhằm giảm tính cạnh tranh trong hoạt động ĐGTS.

Trong quá trình thực hiện, phát sinh tình trạng các tổ chức ĐGTS gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của pháp luật chuyên ngành, nhất là một số loại tài sản có đặc thù riêng như quyền sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư, tài sản thi hành án…

Từ thực tiễn triển khai Luật ĐGTS, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho rằng, cần bổ sung quy định người tham gia đấu giá có thể được rút hồ sơ đăng ký trong thời gian tiếp nhận hồ sơ, thời gian nộp tiền đặt trước nhằm đảm bảo quyền được lựa chọn tham gia đấu giá hay không tham gia đấu giá sau khi đã tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá tài sản đấu giá.

Bên cạnh đó, VAMC cho biết, theo Luật ĐGTS, biên bản đấu giá là cơ sở giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa người trúng đấu giá và người có tài sản đấu giá. Mặc dù vậy, thực tế phát sinh nhiều trường hợp người trúng đấu giá đã ký biên bản đấu giá nhưng từ chối hoặc trì hoãn việc ký kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá. Trong khi đó, người có tài sản không có chế tài, cơ sở pháp lý để xử lý tiền đặt trước (được chuyển thành tiền đặt cọc khi giao kết hợp đồng) do pháp luật chưa quy định trường hợp này. Do vậy, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của bên đấu giá khi đã ký biên bản đấu giá nhưng từ chối, trì hoãn việc giao kết hợp đồng mua bán tài sản đấu giá với người có tài sản trong thời gian đã thỏa thuận.

Pháp luật về ĐGTS hiện quy định, đấu giá viên có quyền dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm giá hoặc gây rối, mất trật tự tại cuộc đấu giá và thông báo cho tổ chức ĐGTS. Người có tài sản đấu giá có quyền yêu cầu đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá dừng cuộc đấu giá khi có căn cứ cho rằng đấu giá viên, người tham gia đấu giá có hành vi vi phạm quy định. Tuy nhiên, theo một cán bộ của Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản tỉnh Phú Thọ, Luật ĐGTS lại chưa quy định việc dừng cuộc đấu giá sẽ thực hiện việc đấu giá lại hay thuộc trường hợp đấu giá không thành. Do vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ĐGTS nên quy định cụ thể đối với trường hợp này (là tổ chức lại cuộc đấu giá hay đấu giá không thành) để có cơ sở áp dụng đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục