Sửa đổi pháp luật để tránh trục lợi từ đấu giá đất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đấu giá đất thời gian qua không chỉ có hiện tượng “thổi” giá mà còn có cả dìm giá, “quân xanh - quân đỏ” gây bức xúc, tác động xấu tới thị trường bất động sản, thất thoát tài sản nhà nước. Trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các “tư lệnh” ngành tài nguyên và môi trường, tài chính đều cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là sửa đổi, hoàn thiện chính sách để khắc phục tình trạng trên.
Đấu giá quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi nhiều quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản, quản lý thuế nhưng lại thiếu các quy định cụ thể. Ảnh minh họa: Nhã Chi
Đấu giá quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi nhiều quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản, quản lý thuế nhưng lại thiếu các quy định cụ thể. Ảnh minh họa: Nhã Chi

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết quả trúng đấu giá bình quân ở nhiều địa phương không quá cao so với giá khởi điểm. Đơn cử, Cần Thơ tối đa cao hơn 53%, Đồng Tháp tối đa cao hơn 24%, Bến Tre bình quân cao hơn 20%, Đắk Nông tối đa cao hơn 50%, Tuyên Quang bình quân cao hơn 34,4%, Phú Yên tối đa cao hơn 17%, Sơn La tối đa cao hơn 85,68%, Lai Châu cao hơn khoảng 20%...

Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, thời gian qua xuất hiện tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi, gây bức xúc dư luận.

Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà thừa nhận, vấn đề thổi giá, đầu cơ đất là hiện tượng rõ ràng, có thật và phải điều tiết bằng chính sách pháp luật để ngăn chặn tình trạng này.

Ông Trần Hồng Hà chỉ ra nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do đấu giá quyền sử dụng đất được điều chỉnh bởi nhiều quy định của pháp luật về đất đai, đấu giá tài sản, quản lý thuế nhưng lại thiếu các quy định cụ thể. Đơn cử, Luật Đất đai mới quy định điều kiện nhà đầu tư được tham gia đấu giá nhưng lại chưa quy định cụ thể, chi tiết các điều kiện đó; năng lực của nhà đầu tư trong việc chấp hành kỷ cương pháp luật đất đai, kinh nghiệm thực hiện dự án chưa được quy định rõ; vấn đề tiền đặt cọc, tiền đặt trước…

Bộ trưởng Bộ TM&MT Trần Hồng Hà cho rằng, cần coi đất đai là tài sản đặc biệt để có phương pháp, trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ hơn, thẩm định hồ sơ đấu giá của nhà đầu tư kỹ lưỡng, căn cơ hơn thông qua cả hệ thống ngân hàng, hồ sơ đất đai, lý lịch nhà đầu tư, phương án triển khai dự án sau trúng đấu giá.

Ngay từ khâu xác định giá khởi điểm để đấu giá đất cũng còn nhiều bất cập. Việc giá trúng đấu giá tăng nhiều lần thì quy định pháp luật xác định cuộc đấu giá như thế nào là bình thường hay thế nào là bất thường cũng chưa được quy định rõ. Do vậy, cần có những quy định cụ thể trong việc xác định giá trúng đấu giá như thế nào là bất thường để người tổ chức đấu giá vừa phát huy trách nhiệm vừa có cơ sở pháp lý để điều chỉnh trong trường hợp này. Ngoài ra, cần phải có chế tài mạnh hơn đối với người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc, có hình thức xử phạt mạnh mẽ hơn về kinh tế để đủ sức răn đe.

Từ thực tế hoạt động đấu giá thời gian qua, ông Trần Hồng Hà nhấn mạnh, có cả hiện tượng dìm giá và cũng nguy hiểm như thổi giá, đẩy giá; tình trạng “quân xanh - quân đỏ”, hiện tượng thông đồng giữa nhiều bên trong hoạt động đấu giá…

Về giải pháp khắc phục, người đứng đầu Bộ TM&MT cho rằng, cần coi đất đai là tài sản đặc biệt để có phương pháp, trình tự, thủ tục đấu giá chặt chẽ hơn, thẩm định hồ sơ đấu giá của nhà đầu tư kỹ lưỡng, căn cơ hơn thông qua cả hệ thống ngân hàng, hồ sơ đất đai, lý lịch nhà đầu tư, phương án triển khai dự án sau trúng đấu giá để đảm bảo hiệu quả thực sự của đất đai.

Trước nhiều ý kiến về việc còn bất cập trong vấn đề định giá khởi điểm đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, giá khởi điểm của đấu giá đất hiện được xác định theo 5 phương pháp phổ biến gồm: phương pháp so sánh trực tiếp; phương pháp chiết trừ; phương pháp thu nhập; phương pháp thặng dư; phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Riêng đối với các dự án đầu tư mới thì chỉ sử dụng 3 phương pháp: thặng dư, so sánh và hệ số điều chỉnh giá đất. Tuy nhiên, nếu dùng phương pháp thặng dư, đưa ra các biến số để tính giá trị hằng số thì sẽ không đúng vì lấy giá doanh thu, chi phí giả định để tính giá chính thức là chưa chính xác. Do đó, các quy định pháp luật trong việc tính giá khởi điểm đấu giá đất cần phải nghiên cứu lại. Nếu không sửa thì việc xác định giá khởi điểm vẫn không đúng, cán bộ thẩm định giá vẫn vi phạm, các đoàn kiểm tra, thanh tra vẫn ra các kết luận khác nhau…

Kết luận phiên trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, các văn bản hướng dẫn và văn bản pháp luật có liên quan, trong đó chú trọng các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất. Không để xảy ra tình trạng lợi dụng các phiên đấu giá để trục lợi, đặc biệt quy định chặt chẽ về điều kiện tham gia đấu giá, xác định giá khởi điểm, thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, xử lý tình huống đấu giá có dấu hiệu bất thường. Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn các trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện hoặc không thực hiện đầy đủ các cam kết.

Tin cùng chuyên mục