Dù số lượng dự án của doanh nghiệp nhà nước chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu tăng lên nhưng nhiều doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đã thường xuyên lựa chọn áp dụng Luật Đấu thầu nên không có nhiều tác động. Ảnh: Nguyễn Thế Anh |
Với việc sửa đổi này, chuyên gia cho rằng, khi Luật có hiệu lực (ngày 1/1/2021), số lượng dự án, gói thầu của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu sẽ tăng lên. Điều này sẽ tác động ra sao tới hoạt động đấu thầu tại các DNNN?
Tăng số lượng dự án, gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh
Điều 88 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, DNNN được tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, bao gồm: DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Trong khi đó, Khoản 8 Điều 4 Luật DN 2014 quy định: “DNNN là DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ”.
Việc sửa khái niệm DNNN tại Luật DN 2020, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và Phát triển DN thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật được mở rộng hơn so với Luật DN 2014. Điều này có nghĩa là, trong thời gian tới, số lượng DNNN sẽ tăng lên, bởi vì bên cạnh DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thì còn có DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo Sách Trắng năm 2020 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, đến cuối năm 2018, khu vực DNNN có 2.260 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, trong đó có 1.097 DN 100% vốn nhà nước, số còn lại là 1.163 DN có cổ phần, vốn góp của Nhà nước lớn hơn 50%.
Với việc mở rộng khái niệm DNNN như quy định của Luật DN 2020, ông Trung khẳng định, điều này sẽ tác động tới hoạt động mua sắm, đầu tư của các DNNN. Lý do là, các dự án đầu tư phát triển của DNNN và dự án đầu tư phát triển có sử dụng vốn của DNNN từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Bên cạnh đó, tại Khoản 2 Điều 3 Luật Đấu thầu còn quy định, trường hợp lựa chọn nhà thầu cung cấp nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, dịch vụ tư vấn, dịch vụ phí tư vấn để đảm bảo tính liên tục cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN… thì DN phải ban hành quy định về lựa chọn nhà thầu để áp dụng thống nhất trong DN trên cơ sở bảo đảm mục tiêu công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.
“Như vậy, có nghĩa là trong thời gian tới, khi Luật DN 2020 có hiệu lực, số lượng dự án, gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu sẽ tăng lên”, ông Trung nhận định.
Tăng tính minh bạch, công khai
Với khái niệm DNNN quy định tại Luật DN 2020, một chuyên gia về đấu thầu cho rằng, số lượng dự án của DNNN thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu sẽ mở rộng, nhưng có thể không tác động lớn tới hoạt động đấu thầu của các DN. Lý do là, lâu nay, nhiều DN do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết vẫn lựa chọn áp dụng Luật Đấu thầu để thực hiện các hoạt động đầu tư, mua sắm.
Lý giải cụ thể hơn, theo chuyên gia này, về cơ bản, khái niệm DNNN tại Luật DN 2020 sử dụng lại khái niệm DNNN đã được quy định tại Luật DN năm 2005 (DNNN là DN trong đó Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ). Khi Luật Đấu thầu 2013 được ban hành, các DN do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đã chịu sự điều chỉnh của Luật Đấu thầu. Sau đó, tuy Luật DN 2014 thu hẹp đối tượng được coi là DNNN (chỉ những DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) thì nhiều DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn lựa chọn áp dụng Luật Đấu thầu. “Theo đó, đánh giá về tác động chính sách khi sửa lại khái niệm DNNN như quy định Luật DN 2020 là không lớn tới các DN này”, chuyên gia bày tỏ.
Một chuyên gia đấu thầu trong trong ngành điện cũng nhận định, hầu như việc sửa khái niệm DNNN nêu trên không ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu của DN bởi 2 lý do. Một là, vì bản thân hệ thống đấu thầu của Việt Nam hiện đã khá tiên tiến, đặc biệt, công cụ đấu thầu qua mạng phát triển rất nhanh nên không chỉ khu vực nhà nước áp dụng mà khu vực tư nhân cũng tích cực lựa chọn áp dụng. Hai là, việc các dự án, gói thầu đã sử dụng vốn nhà nước thì phải đấu thầu đã trở nên phổ biến để nâng cao tính công khai, minh bạch và hiệu quả kinh tế. Đây là xu thế chung. “Do vậy, việc sửa lại khái niệm DNNN như Luật DN 2020 là tốt, góp phần vào việc tăng tính công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu sử dụng vốn nhà nước”, vị chuyên gia chia sẻ.