Tái cơ cấu DNNN: Nhà nước không nên cầm tay chỉ việc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 (Dự thảo) đã đề ra các nhiệm vụ cụ thể để cơ cấu lại DNNN trong giai đoạn tiếp theo. Theo đó, tái cơ cấu đòi hỏi từ chính nội tại doanh nghiệp chứ không nên là mệnh lệnh hành chính của Nhà nước.
Giai đoạn 2021 - 2025 là thời cơ để các doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu, vươn lên thành “sếu đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt các thành phần kinh tế khác. Ảnh: Lê Tiên
Giai đoạn 2021 - 2025 là thời cơ để các doanh nghiệp nhà nước tái cơ cấu, vươn lên thành “sếu đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt các thành phần kinh tế khác. Ảnh: Lê Tiên

Bộ Tài chính đã hoàn thiện Dự thảo Đề án và cho rằng đây là thời cơ để các DNNN thực hiện tái cơ cấu, vươn lên thành “sếu đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt, mở đường, lan tỏa tới doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, giúp nền kinh tế vững vàng và tăng trưởng.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính đánh giá: “Đã qua đã 3 nhiệm kỳ tái cơ cấu, DNNN cũng đã có những chuyển biến tích cực. Đã đến lúc nên để quá trình tái cơ cấu cho doanh nghiệp tự quyết định chứ không phải là Nhà nước cầm tay chỉ việc. Đó là đòi hỏi bắt buộc trong giai đoạn mới, doanh nghiệp phải thay đổi quản trị theo hướng thị trường, theo thông lệ quốc tế. Với vai trò là những “con sếu đầu đàn”, các DNNN phải khỏe, gương mẫu trong việc tuân thủ các quy định về công khai minh bạch, đảm bảo hiệu quả hoạt động tốt”, ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Tiến cũng cho biết một số nội dung trọng tâm của Dự thảo. Trước hết là hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách phục vụ quá trình cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021 - 2025. Bên cạnh đó là xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 - 2020, theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước. Xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả phương án để xử lý dứt điểm tình trạng này, xử lý theo nguyên tắc thị trường.

Dự thảo cũng đề cập đến nội dung tiếp tục phát huy hiệu quả tái cơ cấu của giai đoạn 2016 - 2020. Chẳng hạn, ở giai đoạn trước đã phân loại doanh nghiệp, đưa ra danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa, giai đoạn 2021 - 2025 những doanh nghiệp chưa hoàn thành ở giai đoạn trước thì tiếp tục triển khai các đề án thoái vốn, đặc biệt là thoái vốn khỏi những lĩnh vực nhạy cảm, lĩnh vực không khuyến khích, thoái vốn ở danh mục Nhà nước không cần nắm giữ…

Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, cơ cấu lại các DNNN theo hình thức chủ yếu là cổ phần hóa, thoái vốn các DNNN, đảm bảo công khai, minh bạch, đem lại hiệu quả cao nhất.

Điều quan trọng hơn là phải tiến hành đổi mới thực sự quản trị của doanh nghiệp. Về phía Bộ Tài chính đã chuẩn bị một số công cụ như: các chuẩn mực kế toán quốc tế áp dụng ưu tiên với những doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp gắn với thị trường để đảm bảo chế độ báo cáo của họ tương đồng các nước và khu vực trên thế giới. Điều này nhằm giúp doanh nghiệp có thể vươn ra thị trường bên ngoài và huy động vốn từ bên ngoài; ban hành các nguyên tắc về quản trị đối với công ty niêm yết, tới đây sẽ rà soát lại, đưa ra nguyên tắc quản trị đối với DNNN theo nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD); sẽ gợi mở theo hướng đưa vào trong Luật sửa đổi Luật 69/2014/QH1 một số quy định bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện việc xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp.

Nếu làm tốt những nhiệm vụ nêu trên thì khu vực DNNN sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động, tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu trong nền kinh tế. Hơn nữa, trong quá trình tái cơ cấu, mỗi doanh nghiệp phải tự định vị mình theo hướng đổi mới quản trị, đi đầu trong thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Đó là yếu tố cốt lõi để đảm bảo sử dụng hiệu quả tối ưu nguồn lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin cùng chuyên mục