Tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Đặt mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ, Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tích cực hoàn thiện, dự kiến ban hành trong tháng 12/2021.
Theo Dự thảo Thông tư, mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ kinh phí thuê giải pháp chuyển đổi số trong thời gian không quá 5 năm. Ảnh: Lê Tiên
Theo Dự thảo Thông tư, mỗi doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ kinh phí thuê giải pháp chuyển đổi số trong thời gian không quá 5 năm. Ảnh: Lê Tiên

Tạo quy trình hỗ trợ thuận lợi, dễ dàng

Theo Bộ KH&ĐT, việc ban hành Thông tư nhằm hướng dẫn các nội dung hoạt động hỗ trợ DNNVV theo quy định tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP bao gồm 6 vấn đề: 5 hoạt động hỗ trợ (công nghệ; tư vấn; phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, DNNVV tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị) và một nội dung về quản lý thực hiện hoạt động hỗ trợ.

Dự thảo Thông tư dự kiến quy trình hỗ trợ thực hiện theo hai trường hợp. Một là quy trình hỗ trợ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV trực tiếp cung cấp dịch vụ. Hai là quy trình hỗ trợ áp dụng đối với cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV không trực tiếp cung cấp được dịch vụ, phối hợp với bên thứ ba để cung cấp dịch vụ cho DNNVV.

Trường hợp cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV không trực tiếp cung cấp dịch vụ, DNNVV được chủ động lựa chọn bên thứ ba cung cấp dịch vụ phù hợp nhu cầu để ký hợp đồng thực hiện và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV xem xét, phê duyệt hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước.

Tán thành quy trình này, song một số ý kiến góp ý, để tạo thuận lợi cho DN trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ, quy trình hỗ trợ đối với trường hợp cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV phối hợp với bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ cần thuận lợi hơn. Lý do là Khoản 4 Điều 3 Dự thảo Thông tư hướng dẫn DNNVV tìm kiếm bên cung cấp sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ phù hợp để đàm phán, ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Trên cơ sở hợp đồng đã ký, cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV xem xét, quyết định mức hỗ trợ; ra thông báo về việc hỗ trợ. Sau đó, cơ quan, tổ chức hỗ trợ cùng DNNVV và bên cung cấp ký hợp đồng hỗ trợ… Quy trình này chưa thực sự tạo thuận lợi cho DN được hỗ trợ. DNNVV phải trả tiền trước cho bên cung cấp, sau đó mới thực hiện thủ tục thanh, quyết toán với cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV, trong khi đó hợp đồng hỗ trợ lại ký giữa 3 bên, trong đó có cơ quan, tổ chức hỗ trợ DNNVV.

Ông Lê Thành Thực - Phó Chủ tịch Hội DN trẻ tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh, để chính sách hỗ trợ DNNVV thuộc các nhóm đối tượng trên đi vào cuộc sống thì quy trình tiếp cận thuận lợi là rất quan trọng. Bởi thực tế vừa qua, nhiều chính sách hỗ trợ DN rất có ý nghĩa, song việc tiếp cận lại không dễ dàng do quy trình, thủ tục phức tạp.

Tập trung hỗ trợ DNNVV tăng sức cạnh tranh

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và bối cảnh dịch Covid-19 khiến chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp bách, cần khẩn trương triển khai các hoạt động hỗ trợ DN chuyển đổi số. Điều 9 Dự thảo Thông tư yêu cầu, các tổ chức, DN cung cấp giải pháp chuyển đổi số công khai thông tin về tổ chức, DN sở hữu giải pháp, tính năng của giải pháp, chính sách giá và các thông tin khác liên quan đến giải pháp (nếu có) trên trang, cổng thông tin của các bộ, ngành và địa phương; chịu trách nhiệm về tính trung thực và chính xác của thông tin cung cấp.

Trên cơ sở các giải pháp đã công khai đầy đủ thông tin, mỗi DNNVV có nhu cầu chuyển đổi số được hỗ trợ kinh phí thuê giải pháp chuyển đổi số theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP trong thời gian không quá 5 năm.

“Trước khi nộp hồ sơ đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số, DNNVV thực hiện đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV tại địa chỉ https://business.gov.vn, gửi kèm kết quả đánh giá trong hồ sơ đề xuất hỗ trợ”, Dự thảo Thông tư hướng dẫn.

Để đảm bảo thuận lợi khi thực hiện theo hướng dẫn này, một số ý kiến cho rằng, cần phải làm rõ hơn việc “đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số” của DNNVV với tiêu chí rõ ràng.

Liên quan đến hướng dẫn đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị DN, một số ý kiến góp ý, Dự thảo Thông tư cần bổ sung các khóa đào tạo liên quan đến chuyển đổi số cho DN.

Đối với việc hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, Dự thảo Thông tư quy định một số nội dung nhằm chi tiết hóa việc xác định, lựa chọn DN khởi nghiệp sáng tạo, xác định DN đầu chuỗi, DN trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị để hỗ trợ.

Ban soạn thảo Thông tư cho biết, sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đơn vị nhằm tạo thuận lợi cho DNNVV trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ.

Tin cùng chuyên mục