Ảnh Internet |
Ít sản phẩm giá trị gia tăng
Bức tranh xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vừa trải qua một năm sa sút khi kim ngạch giảm đến 14,3% so với năm 2014 (đạt khoảng 6,72 tỷ USD), nhất là cả 3 mặt hàng thủy sản chính gồm tôm, cá tra và cá ngừ đều đồng loạt giảm mạnh.
Năm 2016 dù được dự báo sẽ tiếp tục khó khăn nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) hy vọng sẽ cải thiện, dự tính đạt khoảng 7,12 tỷ USD (tăng 6,3% so năm 2015). Tuy vậy, VASEP nhận định mặt hàng tôm của Việt Nam vẫn bị ảnh hưởng bởi làn sóng giảm giá và áp lực cạnh tranh. Riêng về cá tra, dự báo sẽ khó khăn chồng chất trên thị trường Mỹ bởi độ khó ngày càng tăng trong điều kiện xuất khẩu.
Thực tế cho thấy, ngành thủy sản Việt Nam dù đã tham gia chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là sản phẩm sơ chế. Trong khi giá trị gia tăng đối với mặt hàng này lại chính là khâu chế biến, đóng gói và hoạt động thương mại mang lại.
Đơn cử như xuất khẩu tôm, có khoảng hơn 300 công ty ở Việt Nam hiện có liên quan đến thương mại tôm. Trong đó, 60 công ty lớn hơn chiếm hơn 80% giá trị xuất khẩu và 120 công ty đạt tới doanh số xuất khẩu trên 1 triệu USD. Thế nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều tồn tại như dịch bệnh, thiếu đầu tư kết cấu hạ tầng, thiếu hợp tác liên kết giữa các tác nhân trên toàn chuỗi giá trị và các tác nhân hỗ trợ sản xuất, thương mại (cơ quan nhà nước, tổ chức tín dụng…).
Hoặc như xuất khẩu cá tra, hiện có khoảng 291 cơ sở xuất khẩu, trong đó 2/3 được xem là các cơ sở nhỏ với số lượng xuất khẩu dưới 1.000 tấn. Trong số các cơ sở xuất khẩu lớn, có 36 công ty xuất khẩu trên 5.000 tấn. Tuy nhiên, những cơ sở xuất khẩu lớn này có thị phần khoảng 75% tổng sản lượng xuất khẩu.
Cần đầu tư chuỗi giá trị
TS. Nguyễn Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, với tác động của các FTA hay TPP thì thủy sản Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt do nước ta mới tham gia vào khâu giá trị gia tăng thấp. Chính vì vậy, việc “xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản” đang là yêu cầu cấp thiết, góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng. Nhưng muốn phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản bền vững, TS. Nguyễn Thanh Tùng đề xuất, Chính phủ cần ban hành chủ trương ưu đãi về nguồn vốn để triển khai các sản phẩm tín dụng cho việc phát triển các sản phẩm thủy sản nâng cao giá trị gia tăng, bao gồm các chính sách ưu đãi về lãi suất và kỳ hạn vay tái cấp vốn cho ngư dân, người nuôi nhằm giảm sự phụ thuộc về tài chính vào thương lái, nậu vựa, tránh tình trạng ép giá.
Mặt khác, cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế phối hợp giữa hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan trong việc thực hiện các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng sản phẩm và phát triển thương hiệu.
Cũng theo TS. Nguyễn Thanh Tùng, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần xúc tiến các hoạt động liên quan đến việc tìm kiếm những thông tin từ thị trường nước ngoài nhằm giúp các nhà xuất khẩu và các tác nhân khác giảm thiểu rủi ro và không chịu sức ép về giá từ một số thị trường chủ yếu.