Tạo “cú hích” cho kinh tế tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Đề án Phát triển kinh tế tư nhân đang được Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện để trình Chính phủ, Bộ Chính trị trong nửa đầu tháng 4/2025. Các doanh nghiệp (DN), chuyên gia kinh tế kỳ vọng, khi được ban hành, Đề án sẽ tạo “cú hích”, tạo động lực cho khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, hùng cường.
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm. Ảnh: Tiên Giang
Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm. Ảnh: Tiên Giang

Còn những khó khăn trong phát triển

Trên thương trường, Công ty CP Việt Vương đã từng bước khẳng định được uy tín, vị thế khi trở thành một trong những nhà thầu sản xuất, cung cấp cột thép chính cho nhiều dự án trọng điểm của ngành điện, trong đó có Dự án Đường dây 500kV Mạch 3 từ Quảng Trạch - Phố Nối với tổng vốn đầu tư gần 1 tỷ USD hoàn thành tháng 8/2024.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Phương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Việt Vương, trong quá trình tham gia vào các dự án trọng điểm quốc gia, DN vẫn gặp nhiều rào cản, trong đó “nút thắt” lớn nhất là nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

“Mỗi công trình tham gia, ngân hàng đều yêu cầu nhà thầu chứng minh tài sản bảo đảm tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Đây là điều kiện không dễ dàng đối với các DN trong việc mở bảo lãnh dự thầu”, ông Phương cho biết và bày tỏ mong muốn được cấp thẩm quyền gỡ khó, tạo điều kiện cho DN đóng góp nhiều hơn vào công cuộc phát triển đất nước.

Trên thực tế, vấn đề tài chính chỉ là một trong số rất nhiều các khó khăn, thách thức mà khối DN tư nhân Việt Nam đang gặp phải. Trong chia sẻ tại Tọa đàm DN, doanh nhân Thanh Hóa - Kỳ vọng trong kỷ nguyên vươn mình” do Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa tổ chức mới đây, ông Nguyễn Duy Nở, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Hoàng Tuấn phản ánh, DN xây dựng hiện đang gặp khó khăn về nguồn cung vật liệu xây dựng. Điều này gây áp lực cả về thời gian, tiền bạc và cơ hội cho DN cũng như sự phát triển của địa phương, đất nước.

Trong bài viết với tựa đề: “Phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, với gần 1 triệu DN, khoảng 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 51% GDP, hơn 30% ngân sách nhà nước, tạo ra hơn 40 triệu việc làm, chiếm hơn 82% tổng số lao động trong nền kinh tế, đóng góp gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tuy nhiên, dù đóng góp ngày càng lớn, kinh tế tư nhân vẫn đối mặt với nhiều rào cản kìm hãm sự phát triển, không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh. Nhiều hộ kinh tế cá thể vẫn theo nếp kinh doanh cũ, thiếu động lực phát triển thành DN, thậm chí “không muốn lớn”....

Về nguyên nhân, Tổng Bí Thư chỉ rõ, ngoài những hạn chế nội tại, các DN tư nhân còn gặp nhiều rào cản trong tiếp cận nguồn lực, đặc biệt là vốn tín dụng, đất đai, tài nguyên và nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các ngành công nghệ, kỹ thuật và tài chính. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo, môi trường kinh doanh nhiều trở ngại, thủ tục hành chính phức tạp, tốn nhiều thời gian, chi phí và tiềm ẩn rủi ro…

Làm gì để trở thành “động lực” quan trọng hàng đầu?

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Hướng đến tầm nhìn chung của đất nước, kinh tế tư nhân cần xác định rõ hơn về sứ mạng và tầm nhìn của mình, đó là kinh tế tư nhân giữ vai trò quan trọng, phải là lực lượng tiên phong, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia… Theo đó, kinh tế tư nhân cần phấn đấu trở thành lực lượng chủ lực, là đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng.

Hiện thực sứ mệnh và tầm nhìn trên, Bộ Tài chính được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan cùng các chuyên gia, nhà khoa học xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu tạo “cú hích” mạnh mẽ cho khu vực này bứt phá.

Về nội dung của Đề án, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Phát triển kinh tế tư nhân nhấn mạnh, Đề án phải bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, mọi giải pháp phải trúng đích, mang tính đột phá và khả thi, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.

Chia sẻ với phóng viên, ông Phan Đức Hiếu, đại biểu Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng. Ông Hiếu cho rằng, để khu vực tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, nước ta cần một chiến lược với những nhóm giải pháp được tinh chỉnh, đột phá, phù hợp với bối cảnh và yêu cầu mới, phù hợp cho từng nhóm DN khác nhau.

Ông Hiếu gợi ý, với nhóm DN nhỏ và vừa, phải hướng đến môi trường thể chế công bằng, thuận lợi để họ có cơ hội để phát huy năng lực của mình. Với nhóm DN có tiềm năng phát triển rất lớn, đặc biệt là khối DN số, cần tạo thể chế cho họ có môi trường thuận lợi để bứt phá, phát triển nhanh…

Với hàng loạt chuyển động từ chủ trương, chính sách mà Đảng và Nhà nước đã, đang tăng tốc thực hiện, nhiều DN đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh mới, thực sự thúc đẩy sự phát triển. Mới đây, Tập đoàn Vingroup đã đề xuất được tham gia đầu tư các dự án điện tái tạo và LNG với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ USD nhằm góp phần hóa giải thách thức nguồn cung ứng điện cho đất nước. Các DN như Tập đoàn Sơn Hải, Tập đoàn Đèo Cả… tiếp tục đảm nhận thi công nhiều gói thầu lớn, với cam kết nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để đưa công trình về đích sớm, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tạo động lực cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục