Tạo điều kiện đầu tư cho hạ tầng số

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 4.702 tỷ đồng tổng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến đề xuất, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tập trung đầu tư cho 2 chương trình lớn là xây dựng Chính phủ số và xây dựng hạ tầng số để tạo động lực mới phát triển kinh tế số, xã hội số.
Mục tiêu của Chương trình đầu tư công về xây dựng hạ tầng số
giai đoạn 2021 - 2025 là đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP. Ảnh: Lê Tiên
Mục tiêu của Chương trình đầu tư công về xây dựng hạ tầng số giai đoạn 2021 - 2025 là đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP. Ảnh: Lê Tiên

Đây là thông tin được Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sáng 12/8/2020. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vốn đầu tư cho hạ tầng số có tính chất kích thích, kiến tạo, thu hút các thành phần kinh tế khác cùng tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, khó khăn của Bộ TT&TT trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2016 - 2020 là Bộ được bố trí nguồn vốn thấp (được cấp 720 tỷ đồng cho 64 dự án, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư của Bộ); chưa có đơn vị tổng chỉ huy về chi cho hạ tầng TT&TT - ICT (Bộ TT&TT không có số liệu tổng thể các bộ, ngành, địa phương chi đầu tư thường xuyên cho ICT); đầu tư dàn trải, phân tán (các đơn vị đầu tư theo kiểu “trăm hoa đua nở”, manh mún, thiếu kết nối). Hiện nay, hạ tầng ICT ngày càng đảm nhận vai trò quan trọng hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, song mức độ quan tâm và chi đầu tư cho hạ tầng ICT còn thấp. Với việc xác định cơ cấu tỷ trọng kinh tế số trong GDP ngày càng tăng, Nhà nước cần ưu tiên đầu tư cho hạ tầng ICT nhằm phát triển kinh tế số.

Người đứng đầu ngành TT&TT cho biết, nguyên tắc sử dụng vốn đầu tư công ngành TT&TT giai đoạn 2021 - 2025 là Nhà nước tổ chức quản lý đầu tư theo hướng tập trung, thống nhất để tránh trùng lặp, có cơ quan điều phối dẫn dắt; tập trung đầu tư về hạ tầng, nền tảng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng dùng chung, đem lại lợi ích phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời hạn chế đầu tư lĩnh vực có thể xã hội hóa đầu tư phát triển như bưu chính, công nghiệp ICT, chỉ đầu tư “vốn mồi” vào viễn thông, công nghiệp ICT.

Đối với Chương trình đầu tư công về xây dựng Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, Bộ sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, nền tảng, cơ sở dữ liệu, ứng dụng quy mô quốc gia, có tính chất liên vùng, liên ngành, dùng chung; các hạng mục đầu tư phục vụ nhu cầu riêng của từng bộ, ngành, địa phương thực hiện theo kế hoạch đầu tư công của bộ, ngành, địa phương. Mục tiêu của Chương trình là đảm bảo tính tương tác, minh bạch, sử dụng dữ liệu số để tối ưu hóa hoạt động, chuyển đổi và cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy, tạo động lực cho chuyển đổi số quốc gia.

Chương trình đầu tư công về xây dựng hạ tầng số giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung đầu tư một số thành phần phù hợp, có tính chất kích thích, kiến tạo, thu hút sự tham gia của thành phần kinh tế khác cùng đầu tư. Mục tiêu của chương trình này là phát triển hạ tầng số quốc gia, tạo động lực mới cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số nhằm đạt mục tiêu đến năm 2025 kinh tế số chiếm 20% GDP, năng suất lao động hàng năm tăng 7%; tối thiểu 50% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.

Về phía Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao vai trò, vị trí và những lĩnh vực quan trọng mà Bộ TT&TT quản lý, phụ trách. Cả 2 chương trình mà Bộ TT&TT đề xuất thực hiện trong chương trình đầu tư công của Bộ giai đoạn 2021 - 2025 đều đúng và rất cần. Trong quá trình thực hiện cần phải bảo đảm tính đồng bộ, triển khai sớm để đạt hiệu quả. Nhà nước sẽ tạo điều kiện đầu tư cho hạ tầng số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục