Thách thức thoái vốn của VNPost tại LienVietPostBank

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với tỷ lệ cổ phiếu chào bán không lớn, chưa đủ để có tiếng nói trong hoạt động quản trị, điều hành tại Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), trong khi giá khởi điểm cao hơn 50% thị giá cổ phiếu trên thị trường, triển vọng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn thành công tại LienVietPostBank trong phiên đấu giá lần thứ hai vào tháng 4/2022 đang là dấu hỏi lớn.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Giá khởi điểm cao hơn 50% thị giá cổ phiếu

Ngày 21/4/2023, VNPost sẽ chào bán hơn 140,5 triệu cổ phần LienVietPostBank, tương ứng 8,13% vốn điều lệ của Ngân hàng thông qua đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Với mức giá khởi điểm 22.908 đồng/cp, giá trị của đợt thoái vốn này (tạm tính theo giá khởi điểm) là hơn 3.200 tỷ đồng.

Đây là lần chào bán cổ phiếu LienVietPostBank thứ hai của VNPost. Trước đó, trong đợt bán đấu giá tháng 2/2022, giá khởi điểm là 28.930 đồng/cp, nhưng chỉ có 7 nhà đầu tư cá nhân trong nước mua thành công 800 cổ phiếu trong số hơn 122,2 triệu cổ phiếu chào bán.

Như vậy, mức giá khởi điểm trong đợt đấu giá thứ hai thấp hơn 20% so với đợt chào bán tháng 2 năm ngoái, trong khi số lượng cổ phần chào bán lại cao hơn. Nguyên nhân là cuối năm 2022, LienVietPostBank đã phát hành cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 15% làm tăng số lượng cổ phiếu VNPost sở hữu, trong khi làm giảm định giá trên mỗi cổ phiếu. Ngoài ra, vào tháng 4/2022, LienVietPostBank đã chào bán cổ phiếu tăng vốn cho cổ đông hiện hữu, nhiều khả năng VNPost đã không thực hiện quyền mua trong đợt chào bán này, do đó, tỷ lệ sở hữu giảm từ 10,15% xuống 8,13% hiện nay.

Với tỷ lệ cổ phiếu chào bán không lớn (8,13% vốn điều lệ), đợt chào bán cổ phần của VNPost được đánh giá không đủ để hấp dẫn các nhà đầu tư tổ chức lớn tìm kiếm cơ hội mua lượng cổ phần đáng kể để có tiếng nói trong hoạt động quản trị, điều hành tại Ngân hàng, trong khi mức giá khởi điểm cao hơn 50% thị giá cổ phiếu LienVietPostBank trên thị trường (dưới 15.000 đồng/cp). Do đó, triển vọng thành công của phiên đấu giá lần thứ 2 này tiếp tục bị đặt dấu hỏi, nhất là trong bối cảnh bức tranh kinh doanh năm 2023 của ngành ngân hàng được dự báo gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Với quy mô tổng tài sản 327.746 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 24.055 tỷ đồng (trong đó, vốn điều lệ 17.291 tỷ đồng), đến cuối năm 2022, LienVietPostBank đứng ở vị trí tầm trung trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tại Việt Nam.

Số dư tiền gửi từ kênh tiết kiệm bưu điện (thông qua hệ thống điểm giao dịch bưu điện và bưu cục văn hóa xã của VNPost) đến ngày 13/2/2023 đạt 79.770 tỷ đồng, trong đó hơn 75% là tiền gửi có kỳ hạn 12 tháng trở lên, trở thành kênh huy động vốn đáng kể cho LienVietPostBank.

Triển vọng kinh doanh khó khăn

Báo cáo tài chính năm 2022 của LienVietPostBank cho thấy kết quả kinh doanh khả quan với sự tăng trưởng ở hầu hết các nguồn thu chính. Cụ thể, thu nhập lãi thuần đạt gần 11.900 tỷ đồng, thu từ dịch vụ gần 1.662 tỷ đồng, tăng lần lượt 32% và 94% so với năm 2021. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về khoản lãi gần 343 tỷ đồng trong khi năm 2021 lỗ. Hoạt động khác cũng thu được khoản lãi hơn 201 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần năm 2021.

Nhờ đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tăng 79% so với năm 2021, thu về 8.863 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 5.690 tỷ đồng, tăng 56% và vượt 19% kế hoạch năm dù Ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Như vậy, LienVietPostBank đã đạt được chuỗi tăng trưởng lợi nhuận 4 năm liên tiếp (2018 - 2022) với tốc độ tăng trưởng bình quân 47,2%/năm. Lợi nhuận năm 2022 gấp 4,7 lần năm 2018. Tuy vậy, triển vọng duy trì mức tăng trưởng này trong năm 2023 đang đối mặt nhiều thách thức.

Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng năm nay dự báo tiếp tục bị kiểm soát chặt chẽ nhằm kiềm chế lạm phát; môi trường lãi suất cao làm giảm nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, cá nhân; nhiều ngành hàng gặp khó khăn về đơn hàng. Tại LienVietPostBank, hạn mức tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước phân bổ đợt 1/2023 là khoảng 8%, thấp hơn mức phân bổ 10% đợt đầu năm ngoái và thấp hơn đáng kể mức tăng trưởng tín dụng 12,7% mà Ngân hàng đạt được trong năm 2022.

So sánh một số chỉ tiêu tài chính của LienVietPostBank với một số ngân hàng khác (số liệu đến 31/12/2022)

Nguồn: Bản công bố thông tin thoái vốn của VNPost tại LienVietPostBank tháng 3/2023

Nguồn: Bản công bố thông tin thoái vốn của VNPost tại LienVietPostBank tháng 3/2023

Khó khăn tiếp theo là môi trường lãi suất cao khiến Ngân hàng gánh chịu mức chi phí vốn cao. Thực tế, biên thu nhập lãi thuần của LienVietPostBank trong quý IV/2022 đã giảm về 41,3%, thấp hơn 7 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021 và ghi nhận 2 quý giảm biên lãi thuần liên tiếp, kể từ mức 50,2% vào quý II/2022. Dù hiện nay có những tín hiệu giảm lãi suất, nhưng dư địa giảm được đánh giá chưa có nhiều do ảnh hưởng từ những yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước. Trong khi đó, khó khăn cho vay đầu ra ảnh hưởng đến khả năng chuyển áp lực lãi suất sang khách hàng.

Hiện nay, thách thức đáng kể nhất là áp lực nợ xấu tăng cao. Mặc dù LienVietPostBank không có số dư trái phiếu doanh nghiệp trên bảng cân đối kế toán hay dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 0,42% tổng dư nợ đến cuối quý II/2022 (số liệu quý IV chưa công bố chi tiết), nhưng cũng chịu ảnh hưởng liên đới, làm gia tăng rủi ro nợ xấu. Chẳng hạn lĩnh vực xây dựng, LienVietPostBank có dư nợ cho vay lên đến 24.706 tỷ đồng, chiếm 10,89% dư nợ đến cuối quý II/2022.

Báo cáo tài chính năm 2022 cũng phần nào phản ánh khó khăn này khi tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 tăng 20% so với đầu năm, chiếm 3.427 tỷ đồng trong tổng dư nợ. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46%. Chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong năm 2022 lên đến 3.174 tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2021.

Tin cùng chuyên mục