Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ngày 30/11/2022, tại Hà Nội, Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh tổ chức phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương - Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh chủ trì phiên họp.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tỉnh xác định trọng tâm phát triển là tháo gỡ các điểm nghẽn về vị trí địa lý, điều kiện địa hình, kết cấu hạ tầng, năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và tập trung vào 4 đột phá chiến lược.

Theo đó, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Bắc Kạn trở thành tỉnh có đầy đủ các nền tảng cơ bản của trình độ phát triển trung bình khá so với cả nước, hệ thống không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn, giữa khu vực phát triển kinh tế với các khu vực bảo tồn sinh thái, văn hóa; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại ổn định, bền vững. Đến năm 2050, trở thành tỉnh có nền kinh tế năng động; không gian phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn; đô thị theo hướng sinh thái, hiện đại và bền vững, có môi trường đáng sống; mức phát triển khá so với các địa phương trong cả nước. Xây dựng chiến lược phát triển với tư tưởng “Phát triển từ cội nguồn và nỗ lực tạo ra những thành tựu mới” từ đó hoạch định các chiến lược phát triển bao gồm: “Khai thác tiềm năng - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển bền vững”.

Các đột phá phát triển được định hướng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm. Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên nền tảng thế mạnh về môi trường sinh thái, cảnh quan và văn hóa của Tỉnh gắn với các hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng. Đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, tập trung đầu tư vào các tổ hợp dự án du lịch với phạm vi, quy mô lớn, chất lượng dịch vụ cao, đảm bảo bền vững và chuyên nghiệp, đồng bộ hiện đại; xây dựng sản phẩm du lịch có thương hiệu đối với các loại hình du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp;... Đưa hồ Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo, mang bản sắc riêng, liên kết với các khu du lịch trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.

Góp ý kiến phản biện để hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, Quy hoạch cần nhấn mạnh thêm động lực phát triển của Tỉnh phân bố về phía Nam, dựa vào trục đường cao tốc Thái Nguyên - Bắc Kạn; dựa vào Khu công nghiệp Thanh Bình và Như Cố ở phía Nam; dựa vào phía trung tâm thành phố Bắc Kạn kéo xuống, dựa vào sự phát triển của huyện Chợ Mới. Phát triển kinh tế cần tập trung cho hành lang Chợ Mới, TP. Bắc Kạn, hồ Ba Bể. Trục động lực này phát triển mạnh lên sẽ lôi cuốn, thúc đẩy lan tỏa cho toàn Tỉnh. Nếu không tập trung trọng tâm, trọng điểm, không có lĩnh vực ưu tiên, không tạo được đột phá, không tạo được động lực thì sẽ khó phát triển.

Có ý kiến cho rằng, cần tiếp tục tập trung vào việc thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo, chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, nâng cao mức sống của nhân dân, nhất là với đại bộ phận người dân của Tỉnh là dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, do điều kiện địa hình, vị trí, những khó khăn nhất định trong công tác thu hút đầu tư, Quy hoạch phải sắp xếp, đưa ra được những danh mục dự án ưu tiên đầu tư, để góp phần làm đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Cho ý kiến kết luận, Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Trần Quốc Phương đề nghị, UBND tỉnh Bắc Kạn tiếp thu đầy đủ, chỉnh sửa hồ sơ quy hoạch theo các ý kiến tham gia thẩm định của các thành viên Hội đồng thẩm định, ý kiến chuyên gia phản biện để sớm hoàn thiện Hồ sơ Quy hoạch tỉnh.

Tin cùng chuyên mục