Tham vấn các địa phương xây dựng khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Từ ngày 27/8 - 1/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức chuỗi 4 Hội thảo tham vấn 13 địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về Khung định hướng phát triển Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đế năm 2050 theo hình thức trực tuyến.

Thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong Vùng ĐBSCL xây dựng Nhiệm vụ lập quy hoạch Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Quy hoạch và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1163 ngày 31/7/2020. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương hiện cũng đang khẩn trương tổ chức lập đồng thời quy hoạch các cấp theo Nghị quyết số 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Để đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, hệ thống của quy hoạch các cấp, Bộ KH&ĐT được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương liên quan, trình Hội đồng quy hoạch quốc gia văn bản hướng dẫn về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh của quốc gia vào quý III/2020.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với đơn vị tư vấn HaskoningDHV&GIZ triển khai xây dựng dự thảo Khung định hướng phát triển vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để báo cáo Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét đưa vào trong văn bản hướng dẫn về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển tổng thể của quốc gia.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị tham vấn

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương phát biểu tại Hội nghị tham vấn

Khung định hướng này sẽ xác định tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển, định hướng ưu tiên phát triển của Vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tạo cơ sở để định hướng cho việc lập quy hoạch tỉnh của các địa phương trong vùng, nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Theo Dự thảo Khung định hướng phát triển Vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tư vấn HaskoningDHV&GIZ đưa ra, Vùng ĐBSCL phải đối diện với nhiều thách thức từ ngoại vùng (vấn đề nước biển dâng, xâm nhập mặn, tác động của các dự án từ thượng nguồn sông Mê Kông…). Các thách thức nội vùng đến từ lực lượng lao động thiếu trình độ kỹ thuật, thu nhập bình quân thấp, phát triển rộng diện tích trồng lúa làm hạn chế khả năng khai thác tiềm năng của các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phát triển kinh tế thiếu kiểm soát nên dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, suy giảm nguồn nước ngầm, sụt lún đất, xói lở sông và bờ biển.

Ngoài ra, những tác động suy giảm nguồn nước và phù sa từ thượng nguồn, biến đổi khí hậu và thiên tai đang tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế - xã hội, dân sinh… đòi hỏi cần nhiều nguồn lực để ứng phó.

Với phân tích đó, đơn vị tư vấn cho rằng, Vùng ĐBSCL cần có quan điểm phát triển vùng theo hướng quản lý những thách thức nêu trên, tạo giá trị từ những ngành có lợi thế của Vùng và trọng tâm định hướng là bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng, bảo vệ môi trường.

Theo đó, đối với ngành kinh tế có lợi thể của Vùng là nông nghiệp, đơn vị tư vấn cho rằng, cần phải có sự cải thiện mang tính hệ thống về kỹ thuật canh tác và hỗ trợ nông dân; chuyển đổi nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và những bất lợi khác.

Về công nghiệp, đơn vị tư vấn khuyến nghị phát triển công nghiệp chế biến, trung tâm đầu mối, gia tăng giá trị. Công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp phát triển trên nền tảng trung tâm đầu mối, hệ thống cơ sở hạ tầng được cải thiện và cần có sự liên kết/chiến lược phát triển.

Ngành du lịch cũng được coi là ngành kinh tế có lợi thế của Vùng. Lợi thế này đến từ lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, cảnh quan sông nước. Do đó, cần cải thiện chất lượng, tính đa dạng của sản phẩm và quảng bá du lịch. Quan trọng cũng cần cải thiện khả năng đi đến các điểm du lịch trong Vùng.

Tin cùng chuyên mục