Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Thư |
Theo Bộ KH&ĐT, việc sửa đổi Luật Đầu tư công nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước về cơ cấu lại đầu tư công, gắn liền với quá trình cơ cấu nền kinh tế nói chung; khắc phục những vướng mắc trong triển khai Luật Đầu tư công, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tháo gỡ vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, áp dụng mạnh mẽ hơn các nguyên tắc công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm cá nhân; thay đổi cơ bản công tác lập kế hoạch và thẩm định dự án đầu tư công, tiếp cận theo thông lệ tốt trên thế giới. Mục tiêu lớn nữa đẩy mạnh phân cấp trong quản lý hoạt động đầu tư công; nâng cao hiệu quả đầu tư từ nguồn vốn nhà nước, chống thất thoát, lãng phí, dàn trải trong đầu tư công.
Bộ KH&ĐT cho biết, đã có 87 cơ quan trung ương và địa phương gửi báo cáo góp ý Luật với tổng số 597 ý kiến báo cáo và góp ý.
6 nhóm giải pháp sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công chính gồm nhóm giải pháp nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; nhóm giải pháp đơn giản hóa thủ tục đầu tư, phân cấp mạnh mẽ đi đôi với trách nhiệm giải trình; lập kế hoạch bám sát tình hình thực tế phù hợp với nguồn lực và điều kiện cụ thể; đồng bộ, thống nhất giữa các luật quản lý đầu tư công; giải quyết các đặc thù về nguồn vốn và quy mô dự án khác nhau. Nhóm giải pháp quan trọng nữa là tiếp tục tăng cường công khai, minh bạch, công bằng.