Theo Hiệp hội các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam, 2018 là năm phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, Hiệp hội và các doanh nghiệp vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu 8,96 tỷ USD, tăng 12% so với 2017, trong đó vùng Đông Nam Bộ chiếm 75%.
Đối với vùng Đông Nam Bộ, dẫn đầu là các doanh nghiệp Bình Dương với tỷ trọng chiếm 50%, tức 4,48 tỷ USD, tiếp đó là Đồng Nai và TP HCM.
Năm 2017, ngành chế biến gỗ của Việt Nam cán mốc 8 tỷ USD, tăng 10,2% so với năm 2016, về đích trước 3 năm so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006 – 2020, duy trì được tốc độ tăng trưởng hàng năm hai con số. Đặc biệt, vùng Đông Nam Bộ đạt kim ngạch xuất khẩu gần 6 tỷ USD chiếm gần 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó ngành gỗ Bình Dương khoảng gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, các tỉnh còn lại như Đồng Nai, TP HCM, Hà Nội, Bình Định lần lượt chiếm khoảng 3 - 16,8%...
Bên cạnh xuất khẩu, ngành chế biến gỗ cũng đóng góp cho thị trường quốc nội 1,47 tỷ USD, nâng tổng sản phẩm của ngành năm 2017 lên 9,47 tỷ USD.
Những thách thức với ngành chế biến gỗ năm 2018 được cho là đến từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đòi hỏi sản phẩm đạt chất lượng cao nên doanh nghiệp phải đầu tư máy móc công nghệ. Thêm vào đó, nhu cầu mang tính cá nhân hoá, dẫn đến xu hướng đặt hàng với đơn hàng ngày càng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và giá cả càng cạnh tranh.