12 gói thầu thuộc các dự án xử lý cấp bách công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 tại Thanh Hóa được giao cho các nhà thầu từ tháng 12/2018. Ảnh: Hữu Đại |
Theo công bố của chủ đầu tư, 12 gói thầu này đều thực hiện theo hình thức “chỉ định thầu trong nước” hoặc “chỉ định thầu rút gọn trong nước”.
Cụ thể, có 4 gói thầu giá trị lớn nhất từ 20 đến 30 tỷ đồng được chỉ định cho Công ty TNHH Hòa Bình và Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi.
8 gói thầu còn lại có giá dự toán dưới 15 tỷ đồng được chỉ định cho 8 nhà thầu có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa, gồm: Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàn Giang, Công ty TNHH Tân Thành 1, Công ty CP Xây dựng NN&PTNT 1 Thanh Hóa, Liên danh Tổng công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Xuân - Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Mạnh Quang, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thanh Hóa, Công ty CP Bê tông và Xây dựng NNPTNT Thanh Hóa, Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Hoàng Phi.
Theo tìm hiểu, 12 gói thầu này thuộc các dự án sử dụng vốn từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2018 cho các địa phương để xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017 theo Quyết định số 1044/QĐ-TTg ngày 17/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Nguồn vốn phân bổ cho tỉnh Thanh Hóa là 250 tỷ đồng nhằm hỗ trợ Tỉnh sửa chữa các sự cố đê điều hư hỏng nặng. Trong đó, huyện Thiệu Hóa có 5 công trình (sửa chữa đê sông Chu, đê sông Cầu Chày và cống Chấn Long trên đê hữu sông Mã), huyện Thọ Xuân có 3 công trình (sửa chữa đê sông Chu), huyện Hà Trung có 3 công trình (sửa chữa đê sông Lèn và sông Hoạt), huyện Hậu Lộc có 2 công trình (sửa chữa đê sông Lèn) và TP. Thanh Hóa có 1 công trình trên đê hữu sông Mã.
Ngày 18/9/2018, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có công văn về việc thông báo danh mục và mức vốn thực hiện xử lý cấp bách các công trình đê điều bị sự cố do ảnh hưởng của bão, lũ năm 2017. Sau đó 3 tháng, ngày 25/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng/báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình các dự án và ngày 27/12/2018 thì phân bổ kinh phí trung ương hỗ trợ.
Một cán bộ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, thực tế 12 gói thầu đã được giao trực tiếp cho các nhà thầu nêu trên từ tháng 12/2018, sau khi Chủ tịch UBND Tỉnh quyết định phê duyệt dự án đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình các dự án. Hợp đồng giữa Ban Quản lý dự án và các nhà thầu nêu trên đã ký vào ngày 26/12/2018.
Theo cán bộ này, việc thực hiện các bước sau đó như phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chỉ định thầu, công bố kết quả lựa chọn nhà thầu là để hoàn thiện thủ tục. Theo Quyết định 1044/QĐ-TTg ngày 17/8/2018, các dự án xử lý cấp bách công trình đê điều bị ảnh hưởng bão, lũ năm 2017 được thực hiện theo Điều 42 Nghị định 59/NĐ-CP, và quy trình thực hiện tuân theo quy định tại Nghị định 120/2018/NĐ-CP. Theo Nghị định 120/2018/NĐ-CP, đối với dự án khẩn cấp, hạng mục của dự án khẩn cấp cần triển khai ngay để khắc phục thiên tai, bão lũ, sạt lở đê, kè đến mức có thể gây vỡ đê, hồ, đập…, các thủ tục đầu tư theo quy định tại Nghị định sẽ được chuẩn bị và hoàn thiện trong quá trình thực hiện dự án.
Đại diện Chủ đầu tư cho biết, tiến độ thực hiện 12 gói thầu đến nay đã đạt khoảng 70%, trong đó 1 gói đã hoàn thành.