Thiếu cát, nguy cơ gián đoạn dự án tại Đà Nẵng, Quảng Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Đà Nẵng và Quảng Nam, chủ đầu tư các dự án cũng như nhà thầu lĩnh vực hạ tầng giao thông, công trình dân dụng đang hào hứng bước vào mùa xây dựng mới cũng là lúc nguồn cát trở nên khan hiếm, khiến tiến độ và phương án tài chính bị đe dọa.
Một số mỏ khai thác cát tại Quảng Nam tạm dừng hoạt động hoặc bán ra với số lượng “nhỏ giọt”. Ảnh: Minh Hạnh
Một số mỏ khai thác cát tại Quảng Nam tạm dừng hoạt động hoặc bán ra với số lượng “nhỏ giọt”. Ảnh: Minh Hạnh

Khan hiếm cát, sản xuất bê tông cầm chừng

Vừa qua, một loạt nhà sản xuất bê tông thương phẩm khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán, thậm chí tạm ngừng cung cấp. Trong đó, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư thương mại Việt Hàn - Chi nhánh Quảng Nam, Công ty CP Đầu tư Thương mại Phước Yên đã chính thức dừng giao hàng. Công ty CP Vinaconex 25 thông báo từ ngày 21/5 ngừng nhận đơn hàng mới, tăng giá 120.000 đồng/m³ từ ngày 22/5 và chỉ cung cấp giới hạn cho một số đối tác lâu năm. Trạm bê tông Sông Hàn, Công ty TNHH MTV Sỹ Kiên Mạnh cũng đồng loạt tăng giá từ 20 - 30% và ưu tiên khách hàng lớn.

Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Sơn Sáu Sang (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) chuyên sản xuất bê tông tươi bình thường hàng ngày đưa vài chục xe ra thị trường thì nay mỗi ngày chỉ có 10 xe vận chuyển. Theo đại diện doanh nghiệp (DN) này, dù có quan hệ lâu dài với đối tác cung ứng cát nhưng khối lượng mua được rất ít. Lý do được các mỏ cung ứng cát đưa ra là giấy phép khai thác đã hết hạn, hoặc sắp ngưng hoạt động. “Khi thị trường bình ổn, giá cát mua vào là 250 nghìn đồng/m3, nay tăng lên 650 nghìn đồng/m3 nhưng vẫn không có cát để mua”, DN này cho hay.

Đối với Công ty TNHH MTV Bê tông Hiệp Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), đại diện Công ty cho biết, thường ngày có 12 xe bồn chứa bê tông tươi, 3 xe tải ben để cung cấp cho các công trình, nhưng số lượt xe vận chuyển gần đây bị cắt giảm do thiếu nguồn cung bê tông. Nếu vật liệu tiếp tục khan hiếm, việc dừng cung cấp bê tông là khó tránh khỏi.

Lo ngại tiến độ nhiều dự án

Thực trạng khan hiếm cát khiến nhiều công trình lâm vào nguy cơ gián đoạn, không thể triển khai đúng tiến độ. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp Đà Nẵng đã có báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng: “Có ít nhất 4 công trình trọng điểm đã bị ảnh hưởng trực tiếp. Đó là Dự án Cải tạo, nâng cấp cầu Biện; hệ thống thu gom nước thải khu vực Hòa Xuân - Cẩm Lệ; công trình kè sông Yên và kè Cu Đê. Các trạm cung cấp bê tông chính như Vinaconex 25 và Sông Hàn đều không thể đảm bảo tiến độ giao hàng. Đáng chú ý, tại Dự án kè Cu Đê, không chỉ thiếu cát mà cả đá xây dựng cũng khan hiếm, khiến nguy cơ chậm tiến độ và đội vốn ngày càng hiện hữu”.

Tại Quảng Nam, Hội DN thị xã Điện Bàn đã gửi văn bản kiến nghị Hiệp hội DN Tỉnh, UBND Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương rà soát, đánh giá và có giải pháp tháo gỡ tình trạng vật liệu xây dựng khan hiếm và giá tăng liên tục; chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài chính tổ chức xác định, công bố giá vật liệu hàng tháng để đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Hội DN thị xã Điện Bàn cũng kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư các dự án đầu tư công xem xét, điều chỉnh nội dung các “hợp đồng trọn gói” đã ký kết thành “hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh” để hỗ trợ DN xây dựng. Thúc đẩy cấp phép khai thác vật liệu hợp pháp, mở rộng nguồn cung từ các mỏ đủ điều kiện và giảm thủ tục hành chính trong khai thác. Bên cạnh đó, Hội đề nghị xem xét cấp phép cho các mỏ đất, đá, cát tại 3 khu vực phía Bắc, phía Nam và trung tâm Thăng Bình - Quế Sơn không qua đấu thầu, mà giao các ban quản lý dự án xác định từng gói thầu để phân chia vật liệu thi công công trình.

Ngày 22/5, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng có văn bản yêu cầu các đơn vị cung ứng vật liệu, các đơn vị sản xuất bê tông thương phẩm nhanh chóng cung cấp thông tin về việc điều chỉnh giá hay tạm dừng cung ứng...

Ngày 26/5, HĐND TP. Đà Nẵng đã có văn bản gửi UBND Thành phố đề nghị khẩn trương chỉ đạo triển khai các giải pháp cấp bách nhằm xử lý tình trạng khan hiếm cát xây dựng trên địa bàn. Theo đánh giá của Thường trực HĐND, nếu không có giải pháp xử lý căn cơ, Thành phố có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công và mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp - xây dựng trên 10% trong năm nay. Thường trực HĐND đề nghị UBND Thành phố chỉ đạo các sở, ngành rà soát, đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời và kế hoạch dài hạn bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng. Trước mắt, cần phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra hoạt động các mỏ cát đã cấp phép và xem xét phương án nâng công suất khai thác để bình ổn thị trường trong khu vực.

Tin cùng chuyên mục