Thảo luận về thực trạng quản trị công ty ở Việt Nam và châu Á

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong 2 ngày, 20 và 21/10/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức Hội nghị bàn tròn châu Á - OECD về quản trị công ty năm 2022.
Thảo luận về thực trạng quản trị công ty ở Việt Nam và châu Á

Đây là lần thứ hai Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị bàn tròn OECD và là lần gặp mặt trực tiếp kể từ năm 2019, sau một thời gian dài thế giới chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hội nghị tạo cơ hội tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa OECD và Việt Nam với tư cách là đồng Chủ tịch Chương trình Khu vực Đông Nam Á của OECD (SEARP) giai đoạn 2022-2025.

Hội nghị thúc đẩy đối thoại chính sách về quản trị công ty và tài chính doanh nghiệp giữa các nền kinh tế châu Á và OECD. Mục tiêu bao trùm của tổ chức này là nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng trưởng bền vững bằng cách hỗ trợ các chính sách và thông lệ quản trị công ty tốt trong khu vực phù hợp với các Nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD.

Tại Việt Nam, theo đánh giá của Hội đồng bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2021, việc áp dụng các thông lệ quản trị công ty tốt vượt trên các quy định pháp lý vẫn là một thách thức với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp niêm yết Việt Nam nói riêng. Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN cho thấy, nhiều năm nay, doanh nghiệp Việt Nam có mức điểm còn hạn chế so với nhiều quốc gia trong khu vực. Trong khi doanh nghiệp nhiều nước đã quen với việc áp dụng thông lệ quản trị tốt của G20/OECD thì doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá mơ hồ cũng như chưa sẵn sàng đưa vào thực tiễn các thông lệ này.

Minh chứng cho nhận định trên nằm ở kết quả chấm điểm quản trị công ty năm 2021. Theo đó, mức độ áp dụng các thông lệ quản trị tốt của doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam mới chỉ đạt 21,7%. Nhiều thông lệ quản trị tốt chưa được doanh nghiệp nước ta quan tâm, như thực hiện báo cáo phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế; đảm bảo cân bằng giới trong Hội đồng quản trị; trách nhiệm của Hội đồng quản trị trong việc giám sát quy trình quản trị rủi ro; các chính sách nhằm lựa chọn nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn phát triển bền vững...

Điểm thực thi 4 nguyên tắc chính trong quản trị công ty của G20/OECD của các doanh nghiệp niêm yết năm 2021 đều thấp. Cụ thể, nguyên tắc đảm bảo quyền và đối xử công bằng giữa các cổ đông mới đạt 50,7% số điểm; nguyên tắc vai trò các bên có quyền lợi liên quan mới đạt 32,4% điểm; nguyên tắc công bố thông tin và minh bạch đạt 60% điểm; nguyên tắc trách nhiệm của hội đồng quản trị đạt 50,9% điểm. Nhiều công ty đã niêm yết từ lâu, nhưng vẫn còn mắc những lỗi sơ đẳng, như không công bố việc tổ chức đại hội đồng cổ đông trên trang điện tử; không thông qua cổ đông việc chi trả thù lao cho hội đồng quản trị, ban kiểm soát…

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện tương đương 93,8% GDP

Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam hiện tương đương 93,8% GDP

Phát biểu khai mạc Hội nghị bàn tròn OECD 2022, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đang từng bước phát triển để trở thành một kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Quy mô huy động vốn qua TTCK giai đoạn 2016 - 2021 tăng trưởng bình quân 28,5%/năm. Trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 93,8% GDP, góp phần cơ cấu lại hệ thống tài chính Việt Nam theo hướng cân đối, bền vững hơn.

Trong bối cảnh phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn, sạch hơn và công bằng hơn, quản trị công ty tốt đóng vai trò thiết yếu quyết định cho sự năng động và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế trên diện rộng, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản lý rủi ro môi trường, xã hội và quản trị (ESG), khai thác tốt hơn những đóng góp quan trọng của các cổ đông, chủ nợ, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp hoặc cộng đồng, vì sự thành công lâu dài của doanh nghiệp.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, ngoài một hệ thống pháp luật đầy đủ hình thành một nền tảng quản trị công ty tốt và hiệu quả, bản thân từng doanh nghiệp, từng thành viên Hội đồng quản trị và từng thành viên thị trường phải có đầy đủ kinh nghiệm, trình độ, đạo đức nghề nghiệp và ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của quản trị công ty đối với từng doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Các cải thiện quản trị quan trọng cần được thực thi nằm ở khía cạnh cấu trúc quyền lợi và trách nhiệm trong quản trị công ty, sự minh bạch trong phân công trách nhiệm trong các thành viên Hội đồng quản trị, nâng cao vai trò kiểm toán nội bộ, công bố và minh bạch thông tin, nâng cao các thực hành bảo vệ quyền lợi cổ đông và các bên liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho rằng, việc cải thiện quản trị công ty của các công ty đại chúng đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên khác nhau, của các cơ quan quản lý, các tổ chức hành động vì thị trường minh bạch và của chính những người tham gia thị trường, các cổ đông./.

Tin cùng chuyên mục