Thêm động lực cho xây dựng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh, yếu tố quan trọng là phải thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ mới. Trong lĩnh vực xây dựng, nhiều nhà thầu, nhà đầu tư đã chủ động xanh hóa quá trình thi công xây dựng, góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh ý thức trách nhiệm, sự chủ động của doanh nghiệp, cần có cơ chế ủng hộ, khuyến khích để đất nước có nhiều công trình xanh…
Số lượng công trình xanh trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp tăng lên đáng kể sau mỗi năm. Ảnh: Lê Tiên
Số lượng công trình xanh trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp tăng lên đáng kể sau mỗi năm. Ảnh: Lê Tiên

Chuyển biến từ thực tiễn

Ông Ngọ Trường Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ, là nhà đầu tư, tổng thầu thi công công trình hạ tầng giao thông hàng đầu trong nước, khi thực hiện xây dựng hơn 30 km hầm đường bộ, 400 km đường cao tốc và quốc lộ trải dài cả nước, Đèo Cả hiểu rõ trách nhiệm với đất nước không chỉ ở những công trình giao thông hoàn thành được đưa vào sử dụng, khai thác, mà còn hướng đến chiến lược tăng trưởng xanh, nền kinh tế xanh và bảo vệ môi trường bền vững.

Với thực tiễn các công trình đã và đang thi công, ông Nam cho biết, Tập đoàn Đèo Cả hướng tới tăng trưởng xanh với nhiều việc làm cụ thể. Trước hết, các công trình Đèo Cả thực hiện ít tác động đến môi trường nhất có thể. Các dự án hầm đường bộ khi triển khai thi công đặt mục tiêu giữ nguyên hệ sinh thái xanh nơi công trình đi qua, giảm thiểu tác động đến môi trường. Việc thi công, khoan phá đá trong hầm giúp giảm diện tích phải giải phóng mặt bằng, hạn chế khí thải, bụi xây dựng thải ra môi trường thiên nhiên...

Tập đoàn Đèo Cả chú trọng ứng dụng công nghệ mới, nghiên cứu và áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến để thay thế các phương án thi công cũ nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường; quy trình quản lý nghiêm ngặt đi kèm các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình thi công; tạo cảnh quan xanh, phục hồi hệ sinh thái đã mất do các công tác đào, đắp tại các dự án đường bộ cao tốc. Công tác vận chuyển vật liệu, đổ thải đảm bảo không gây hại tới nguồn nước, môi trường, cảnh quan. Tập đoàn cũng đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, tạo nguồn điện năng phục vụ cho công tác thi công, quản lý, vận hành, chiếu sáng công trình giao thông; sử dụng máy móc hiện đại, vật liệu xanh…

Là doanh nghiệp đầu tư nhiều công trình hạ tầng, giao thông, công nghiệp, dân dụng..., lãnh đạo Công ty CP FECON khẳng định, Công ty không ngừng đổi mới, phát triển khoa học công nghệ, tiếp cận những công nghệ xây dựng hiện đại nhất với mong muốn đóng góp thiết thực cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước nhà. Vấn đề bảo vệ môi trường luôn được FECON chú trọng, các công nghệ sản xuất và thi công được lựa chọn cẩn thận, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường…

Số lượng công trình xanh trong các lĩnh vực dân dụng, công nghiệp tăng lên đáng kể sau mỗi năm, đến nay đã có trên 300 công trình, từ văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp... được chứng nhận xanh.

Đồng bộ giải pháp để thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới

Từ thực tiễn cho thấy, để xanh hóa quá trình thi công, việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại từ vật liệu, máy móc đến quản lý thi công... là rất quan trọng. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến, một trong những rào cản hiện nay là cơ chế xây dựng đơn giá, định mức chưa khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới, nhất là những công nghệ lần đầu xuất hiện vào đầu tư xây dựng.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn, các chủ đầu tư dự án, công trình xanh còn gặp khó khăn về tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh; chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá, chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc Công ty CP FECON cho biết, một số định mức, đơn giá áp dụng nhiều năm nay đã thể hiện sự bất cập trong thực tiễn, ngăn cản quá trình phát triển, khiến các công nghệ mới rất khó được áp dụng trong các dự án, công trình có nguồn vốn của Nhà nước.

Ông Cường khuyến nghị, cần có cơ chế khuyến khích ứng dụng công nghệ hiện đại vào xây dựng công trình, có cơ chế đột phá cho các dự án xây dựng bằng vốn ngân sách nhà nước được ứng dụng công nghệ, giải pháp thi công xây dựng hiện đại. Theo đó, nếu chứng minh được tính hiệu quả về kinh tế, tiến độ và chất lượng bền vững thì các dự án này không cần có định mức, thay vào đó là quản lý bằng tổng mức đầu tư. Đối với công nghệ thi công xây dựng hiện đại có thể ứng dụng trong các dự án mang tính chất đặc biệt hoặc cấp thiết thì có thể áp dụng định mức và đơn giá của nước ngoài.

“FECON đề xuất chỉ áp dụng quy định về định mức, đơn giá trong xây dựng tổng mức đầu tư phục vụ phê duyệt ngân sách dự án, không áp dụng trong quá trình triển khai thực hiện dự án, vì nhà thầu đã trải qua đấu thầu cạnh tranh, sòng phẳng. Khuyến khích áp dụng mạnh mẽ đấu thầu chọn tổng thầu EPC hoặc Design & Build (thiết kế và thi công) trong các dự án hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng có yếu tố công nghệ mới”, ông Cường nói.

Ông Ngọ Trường Nam kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước kịp thời ban hành các tiêu chuẩn, định mức làm cơ sở để áp dụng các giải pháp, công nghệ mới, tiên tiến, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, đối với công trình giao thông đường bộ, vật liệu thép chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong chi phí xây dựng. Hiện nay, Đèo Cả sử dụng khoảng 80% thép sản xuất trong nước đạt yêu cầu chất lượng, tuy nhiên tương lai phải đạt tiêu chuẩn thép xanh quốc tế như một tiêu chí để đạt hạ tầng giao thông xanh. Điều này đặt ra yêu cầu cho ngành thép phải sản xuất, cung cấp vật liệu xanh theo tiêu chuẩn xanh LOTUS được nghiên cứu bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất thép xanh với chi phí hợp lý, tăng tính cạnh tranh, phù hợp với thị trường xây dựng ở Việt Nam hiện nay.

Tại Tuần lễ công trình xanh 2023 diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành nghiên cứu hành lang pháp lý đối với công trình xanh, công trình tiết kiệm năng lượng nhằm khuyến khích và bắt buộc đối với các công trình, dự án đầu tư theo trường hợp cụ thể (liên quan đến tài chính, đất đai, đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc...). Bộ Xây dựng sớm ban hành hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn, bộ tiêu chí hướng dẫn thiết kế công trình xanh nhằm hỗ trợ thiết kế, thi công và vận hành công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng; đưa ra các khung tiêu chí, tiêu chuẩn công trình xanh dựa trên các tiêu chí, tiêu chuẩn chung của thế giới và phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Một số ý kiến đề xuất, ngoài quy định bắt buộc, các chính sách khen thưởng cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt việc xây dựng xanh cũng là một giải pháp. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng xanh, ưu đãi về thuế và phí, giúp chủ đầu tư vượt qua rào cản về chi phí đầu tư ban đầu tăng cao (thông thường tăng khoảng 1 - 3% tổng chi phí dự án).

Tin cùng chuyên mục