Ngân hàng nhà nước đang siết dần dòng tín dụng đổ vào bất động sản |
Sức ép tín dụng
Trong khuôn khổ chương trình gặp mặt đầu năm Bính Thân diễn ra cuối tuần trước, các hội viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vừa bày tỏ một số ý kiến lo ngại về sự “chững lại” của thị trường bất động sản năm 2016 sau khoảng thời gian tăng trưởng khá ngoạn mục trong năm 2015, đặc biệt là khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NIHNN. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước dự kiến giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ mức 60% hiện nay xuống còn 40% và nâng hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản từ mức 150% hiện nay lên mức 250%.
Là người trực tiếp đầu tư, kinh doanh bất động sản, ông Vũ Kim Giang, Giám đốc Điều hành Công ty cổ phần bất động sản Hải Phát cho rằng, nếu hệ số rủi ro với các khoản vay kinh doanh bất động sản như Dự thảo trên được thông qua, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay ra thị trường. Cùng với đó, các ngân hàng cũng sẽ thận trọng hơn trong việc thẩm định năng lực chủ đầu tư và mức độ khả thi của dự án. Mức lãi suất có thể tăng kéo theo chi phí vốn, chi phí đầu tư sẽ tăng cao và nhiều hệ lụy khác.
Theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ Việt Nam, nếu những nội dung trên được phê duyệt, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới thị trường bất động sản, cả về tâm lý và thực tế, do dòng vốn vào thị trường này bị siết. Ở góc độ thực tế, quy định sẽ làm chi phí đầu tư tăng lên. Ở góc độ tâm lý, việc siết tín dụng vào bất động sản có thể sẽ khiến người mua không dám mạnh tay đầu tư và thị trường có khả năng sẽ xuống dốc.
Trong một động thái mới nhất, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), ông Nguyễn Trần Nam vừa có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước bày tỏ phản ứng của Hiệp hội với đề xuất tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NIHNN.
Theo ông Nam, dư nợ tín dụng bất động sản trong tổng dư nợ tín dụng của nềnkinh tế đang ở mức hợp lý, khoảng 360.000 - 380.000 tỷ đồng trên tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng là 4 triệu tỷ đồng. Như vậy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản khoảng dưới 10%, trong khi mức thông thường cần phải áp dụng các biện pháp hạn chế là khoảng 15%.
“Nếu nội dung của Thông tư 36/2014/TT – NHNN được sửa đổi theo Dự thảo thì không chỉ thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, mà các ngành có liên quan và sự phát triển, tăng trưởng chung của nền kinh tế cùng bị giảm sút nghiêm trọng”, Chủ tịch VNREA nhấn mạnh.
Nguồn cầu tăng chậm
CBRE Việt Nam vừa có dự báo về các phân khúc thị trường bất động sản năm 2016. Theo đó, bất động sản nhà ở và thương mại của Việt Nam đang dần hồi phục một cách rõ nét kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Niềm tin vào thị trường tiếp tục gia tăng mạnh mẽ thông qua số dự án chào bán mới cũng như lượng giao dịch tăng vọt, giá bán được cải thiện trong năm 2015.
“Tỷ lệ tăng giá dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2016. Với người mua ngày càng kén chọn hơn trong khi nguồn cung thì lại dồi dào hơn, chủ đầu tư sẽ phải cẩn trọng trong việc tăng giá để đảm bảo mục tiêu doanh số như kế hoạch đề ra. Xét về nguồn cầu, tỷ lệ tiêu thụ năm 2016 dự kiến sẽ chậm hơn so với năm 2015 và giảm trong năm 2017 và 2018 cho cả hai thị trường”, báo cáo của CBRE Việt Nam cho biết.
Từ góc độ của những người môi giới bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, nếu như năm 2015, các sàn giao dịch và những người tham gia môi giới bất động sản đã có một năm khá thuận lợi khi nguồn cầu tăng nhanh do bị “dồn nén” trong các năm thị trường đóng băng (2012 - 2014), thì năm 2016, nguồn cầu này sẽ tăng chậm lại, trong khi nguồn cung tại các dự án mới khởi động trong năm 2015 lại tăng nhanh.
“Thị trường bất động sản năm 2016 sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các chủ đầu tư trong việc lôi kéo khách hàng đứng về phía mình. Trên bình diện chung, điều đó tốt cho thị trường khi nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản ngày càng phải chuyên nghiệp hơn nếu muốn tồn tại và phát triển”, ông Đính nói.